Bài 1: Tương lai tươi sáng đang mở ra cho kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng Chúng ta phải tháo những "chốt hãm" với kinh tế tư nhân |
CHÌA KHÓA ĐỂ TĂNG TRƯỞNG HAI CON SỐ
Kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội VI năm 1986 của Đảng; nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân dần được thay đổi cùng với quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ việc không được thừa nhận (trước năm 1986) sang được thừa nhận và coi là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế nhiều thành phần (giai đoạn 1986-1999); được khẳng định là thành phần quan trọng lâu dài, trở thành động lực phát triển kinh tế (giai đoạn 2000-2015); được tập trung phát triển mạnh, là động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (giai đoạn từ 2016).
Qua 40 năm đổi mới, đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho kinh tế tư nhân. Theo đó, ngày 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân. Mục đích của Ban Chỉ đạo là xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân để trình Bộ Chính trị, nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo thể hiện sự nhanh nhạy của Chính phủ trong việc triển khai chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, khơi thông các nút thắt, mở ra lộ trình phát triển mạnh mẽ, khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Mặt khác, trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu Đảng đã gợi mở và đề cập đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh quan điểm người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn và chi phí thấp.
![]() |
Tống Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Theo Tổng Bí thư, bên cạnh việc phải củng cố mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế Nhà nước; cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng đỡ thành phần kinh tế hộ, kinh tế hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước.
Đồng thời thực hành quan điểm kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, loại bỏ tư tưởng "trọng công hơn tư" và sự "độc quyền" của doanh nghiệp Nhà nước trong một số lĩnh vực. Hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới. Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
Chia sẻ phân tích về việc phát triển kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trước hết, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 42-45% GDP của Việt Nam và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ở các nền kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân thậm chí chiếm tới 70-90% GDP, minh chứng cho vai trò động lực của khu vực này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
![]() |
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, kinh tế tư nhân là nguồn tạo việc làm chủ yếu, chiếm 85% tổng số lao động trong nền kinh tế và giúp hàng triệu người có thu nhập ổn định. Theo thống kê, khu vực này tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.
"Với những đóng góp to lớn như vậy, có thể khẳng định rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để phát huy tối đa tiềm năng của khu vực này, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản thể chế, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nhằm tạo nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững và thịnh vượng", TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ rào cản thể chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi đến hạn chế trong tiếp cận vốn và công nghệ. Dù đóng góp hơn 42-45% GDP , khu vực này vẫn chưa phát triển xứng tầm do thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí không chính thức cao và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế.
Hơn 50% doanh nghiệp tư nhân phản ánh rằng họ phải chịu nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trong năm, gây lãng phí thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ, chiếm 96% tổng số doanh nghiệp , trong khi số doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu như Vietjet, Vingroup, Masan, FPT hay VinFast… vẫn còn ít.
![]() |
Với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. |
Tuy nhiên, với định hướng chiến lược rõ ràng của Đảng và sự vào cuộc nhanh nhạy của Chính phủ, cơ hội phát triển của kinh tế tư nhân đang mở ra mạnh mẽ. Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ tín dụng và thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo – những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu rào cản về thể chế, vốn và công nghệ được tháo gỡ hiệu quả, khu vực tư nhân có thể tạo ra bước nhảy vọt, đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo tăng trưởng trên 10%/năm .
Ông cho biết, bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước phát triển cho thấy, khi kinh tế tư nhân được trao cơ hội phát triển, nó có thể trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế. Trung Quốc sau cải cách đã duy trì mức tăng trưởng 10-12%/năm trong nhiều thập kỷ, trong khi Hàn Quốc vươn lên nhờ sự bùng nổ của các tập đoàn tư nhân. Việt Nam hoàn toàn có thể tái lập kỳ tích này nếu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn.
"Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, khu vực này còn là nền tảng cốt lõi giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn để biến tiềm năng thành hiện thực", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN PHẢI NGHĨ LỚN, LÀM LỚN
Chia sẻ quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi đã đưa ra một số rào cản, hạn chế và giải pháp tháo gỡ khó khăn của kinh tế tư nhân hiện nay.
Hạn chế về quy mô và năng lực cạnh tranh: Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động rời rạc, thiếu liên kết chuỗi, khó tiếp cận thị trường quốc tế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn FDI ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đối với vấn đề này, ông Huy cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét chính sách khuyến khích sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cùng ngành để hình thành các chuỗi giá trị lớn mạnh; thúc đẩy mô hình “doanh nghiệp vệ tinh”, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với các tập đoàn lớn và doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi. |
Đối mặt với rào cản trong tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, nhân lực): Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng do yêu cầu tài sản thế chấp và hồ sơ tài chính chưa minh bạch.
Đồng thời, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng sản xuất, trong khi quỹ đất vẫn chưa được phân bổ tối ưu. Các doanh nghiệp tư nhân cũng khó thu hút nhân tài do hạn chế về đãi ngộ, môi trường làm việc và cơ hội phát triển.
Nêu giải pháp cho việc này, ông Huy cho rằng, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các mô hình huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
Cùng với đó là cải cách chính sách đất đai, minh bạch trong quy trình cấp đất, ưu tiên doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và sử dụng đất hiệu quả; tạo điều kiện để doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đào tạo và cung ứng nhân sự có kỹ năng chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hạn chế trong tư duy khởi nghiệp và năng lực quản trị: Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì tư duy kinh doanh truyền thống, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đầu tư mạnh vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc quản trị doanh nghiệp còn mang tính cảm tính, thiếu chiến lược bài bản, đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, vận hành.
Về giải pháp, cần nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp theo hướng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị vận hành, giúp doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa hoạt động. Hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp theo hướng xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (startup hubs), vườn ươm doanh nghiệp để cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực cho các doanh nghiệp mới.
Chậm chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ: Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa tận dụng tối đa công nghệ để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa tận dụng tối đa công nghệ để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường. |
Do đó, Nhà nước cần xây dựng nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp số hóa. Theo đó, Chính phủ có thể triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công nghệ, tài trợ một phần chi phí cho việc chuyển đổi số; khuyến khích doanh nghiệp công nghệ lớn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong việc triển khai giải pháp số, tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoạt động kinh doanh.
Môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính còn bất cập: Dù đã có cải cách, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Đồng thời cũng cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận các ưu đãi, chính sách hỗ trợ như các thành phần kinh tế khác.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, để kinh tế tư nhân bứt phá, chúng ta cần phải khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bài bản, đặt mục tiêu phát triển dài hạn, từng bước hình thành những tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực.
Đồng thời phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và ươm tạo doanh nghiệp để nâng cao chất lượng khởi nghiệp. Cùng đó, cần kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tận dụng kinh nghiệm, công nghệ và thị trường từ các doanh nghiệp lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
![]() |
Kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định, hoặc tiếp tục đi theo lối mòn cũ, hoặc bứt phá mạnh mẽ để vươn lên. |
Bên cạnh đó là thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, đưa chuyển đổi số vào chiến lược phát triển quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định, hoặc tiếp tục đi theo lối mòn cũ, hoặc bứt phá mạnh mẽ để vươn lên. Muốn thành công, doanh nghiệp tư nhân cần dám nghĩ lớn, dám thay đổi, nâng cao năng lực quản trị và tận dụng sức mạnh của công nghệ.
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành mộ trong những động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế.
"Với một chiến lược đúng đắn, không xa nữa, chúng ta hoàn toàn có thể thấy những tập đoàn tư nhân Việt Nam sánh vai cùng các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng chung của đất nước", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
(Còn tiếp)