Việt Nam điện thăm hỏi sau vụ động đất nghiêm trọng tại Thái Lan, Myanmar
Chưa có người Việt tại Myanmar, Thái Lan bị ảnh hưởng do động đất Thái Lan: Bác sĩ phẫu thuật ngoài trời cho bệnh nhân do động đất Động đất ở Myanmar gây rung chấn tại Việt Nam |
Theo Bộ Ngoại giao, được tin vụ động đất nghiêm trọng xảy ra tại Thái Lan và Myanmar, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ngày 28/3, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi điện thăm hỏi tới Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe.
Cũng theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ động đất, cơ quan này đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar nhanh chóng nắm bắt thông tin về tình hình của công dân Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường và các lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi về vụ động đất nghiêm trọng tại Thái Lan và Myanmar. |
Theo thông tin sơ bộ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, cho đến nay, chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng do trận động đất gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt tại các địa phương bị động đất để theo dõi sát tình hình.
Đồng thời sẵn sàng triển khai các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết; khuyến cáo người dân theo dõi sát các thông báo và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại đề phòng dư chấn động đất trong 24 giờ tiếp theo.
Trận động đất kinh hoàng có độ lớn 7,7 đã làm rung chuyển miền Trung Myanmar trong chiều 28/3, gây ra sự tàn phá khủng khiếp và làm rung chuyển cả khu vực Đông Nam Á.
Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia Myanmar tối 28/3, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar cho biết đã có ít nhất 144 người thiệt mạng và 730 người bị thương trong thảm họa này. Số thương vong có thể còn gia tăng trong những ngày tới.
Phát biểu từ trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, người phát ngôn Margaret Harris cho biết cơ quan này coi đây là “một mối đe dọa rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe con người ".
![]() |
Cảnh tan hoang sau động đất. Ảnh: TTXVN. |
WHO đang tập trung vào việc cung cấp vật tư y tế cứu thương, thuốc men thiết yếu và các thiết bị cố định bên ngoài, trong bối cảnh ước tính sẽ có rất nhiều người bị thương cần được điều trị. Cơ quan này cũng lo ngại cơ sở hạ tầng y tế ở Myanmar có thể bị hư hại nghiêm trọng.
Trận động đất xảy ra vào khoảng 12h50 chiều 28/3 (giờ địa phương), với tâm chấn gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Các nhân chứng cho biết nhiều tòa nhà đã đổ sập, trong khi một nhà thờ Hồi giáo bị sập một phần, khiến khoảng 10 người thiệt mạng. Chỉ 11 phút sau trận động đất đầu tiên, một dư chấn độ lớn 6,4 độ Richter tiếp tục làm rung chuyển khu vực này.
Hiện các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành.
Những báo cáo sơ bộ cho thấy nhiều chung cư, bệnh viện, trường học và tòa nhà văn phòng chính phủ đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Một số tòa nhà trong khuôn viên trường học bị sập và một số lượng học sinh không xác định đã bị chôn vùi.
Liên quan đến những thiệt hại tại Thái Lan do ảnh hưởng của trận động đất, trong thông báo mới nhất chiều 28/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết đã có ít nhất 3 công nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng ở Thủ đô Bangkok, trong khi số người mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà lên tới 81 người, cao gần gấp đôi con số 43 người như thông tin đưa ra ban đầu.
Ông Phumtham cho biết, Chính phủ Thái Lan đang đưa ra phản ứng phối hợp và quân đội cũng đã được huy động để phối hợp ứng phó khẩn cấp trên toàn quốc. Tổng Tư lệnh Lục quân và Giám đốc Trung tâm cứu trợ thiên tai Lục quân, Tướng Pana Claewplodtook, đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp để phối hợp các nỗ lực cứu trợ, bao gồm triển khai thiết bị và các đội y tế từ các bệnh viện quân đội để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, tất cả các bộ, ngành chủ chốt cũng đã nhận được chỉ thị phối hợp hành động khẩn cấp. Bộ Giáo dục yêu cầu đóng cửa các trường học trên toàn quốc. Bộ Y tế thành lập các trung tâm ứng phó khẩn cấp và đánh giá thiệt hại của các bệnh viện. Bộ Nội vụ chỉ thị người đứng đầu các tỉnh kích hoạt các trung tâm chỉ huy để giám sát và truyền thông rủi ro công cộng.