Giáo dục Thủ đô đóng vai trò chủ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống - xây dựng hình mẫu người Hà Nội "thanh lịch, văn minh" ngay từ trong nhà trường.
Học sinh Hà Nội hào hứng tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp 8 giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, đào tạo

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có bài phát biểu nhấn mạnh tư tưởng "giáo dục vì con người", coi đó như nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn hiến, thông minh và bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức rõ vai trò của giáo dục trong việc hình thành phẩm chất, nhân cách con người. Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là nhiệm vụ giáo dục đạo đức đơn thuần, mà còn là mục tiêu chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai."

Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tại Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2024 của Thành ủy Hà Nội
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Từ đó, ngành giáo dục Hà Nội đã chủ động đưa nội dung giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống vào chương trình học chính khóa và hoạt động ngoại khóa ở các cấp học. Trong đó, trọng tâm là giáo dục học sinh ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu nước, yêu Thủ đô, và hành vi ứng xử có văn hóa trong học đường và ngoài xã hội.

Đồng chí Trần Thế Cương khẳng định: "Chúng tôi xác định: thanh lịch, văn minh không chỉ là thái độ, hành vi mà còn là cách học sinh tiếp cận thế giới, làm chủ công nghệ, thích nghi với môi trường toàn cầu. Học sinh Hà Nội cần được trang bị toàn diện, từ kiến thức, đạo đức đến kỹ năng sống và năng lực đổi mới sáng tạo".

Trẻ em huyện Mê Linh được hưởng môi trường giáo dục chất lượng
Trẻ em được hưởng môi trường giáo dục chất lượng

Trong quá trình giáo dục con người toàn diện, Hà Nội chú trọng giáo dục nhân cách gắn liền với năng lực. Không chỉ bồi đắp tình yêu quê hương, Hà Nội, tinh thần tôn trọng lịch sử, văn hóa, ngành Giáo dục còn tăng cường các chương trình rèn luyện kỹ năng cho học sinh: kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng số, ứng dụng công nghệ...

Với phương châm đó, nhiều trường học tại Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng mô hình giáo dục STEM, STEAM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dự án cộng đồng, ngày hội văn hóa, ngày hội công nghệ… để học sinh được "học đi đôi với hành", rèn luyện cả tư duy và cảm xúc.

Phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long

Triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang tăng cường lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử vào các môn học và hoạt động ngoại khóa. Từ các giờ học lịch sử địa phương, đến các buổi tham quan di tích, tọa đàm về nhân vật lịch sử, học sinh Hà Nội được khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn bản sắc.

Các đại biểu là thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thực hiện nghi thức khai bút đầu năm 2024
Các đại biểu là thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thực hiện nghi thức khai bút đầu năm

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhân vật tiêu biểu của Hà Nội trong hoạt động giáo dục. Qua đó, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn được nuôi dưỡng tình yêu Thủ đô, từ đó lan tỏa hành vi văn minh, ứng xử thanh lịch."

Ngoài ra, ngành Giáo dục Thủ đô còn phối hợp với các sở, ngành tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, thi kể chuyện, sân khấu hóa sự kiện lịch sử… thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh mỗi năm, tạo thành phong trào giáo dục truyền thống sâu rộng.

Nhận thức rằng giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt coi trọng sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục phẩm chất, đạo đức và nhân cách học sinh. Nhiều chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và Hội Phụ huynh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã được triển khai nhằm xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh cho học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều sáng kiến như tổ chức "Tuần lễ giáo dục đạo đức", "Ngày hội văn hóa ứng xử", "Diễn đàn học sinh thanh lịch"... để phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng đối thoại, cùng cam kết xây dựng hình ảnh đẹp trong học đường.

Với những kết quả đó, đồng chí Trần Thế Cương nhấn mạnh: "Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh không thể tách rời gia đình và xã hội. Chúng tôi mong muốn tạo ra sự đồng thuận và cộng hưởng từ tất cả các lực lượng, để mỗi học sinh đều được giáo dục bằng tình yêu thương, sự tôn trọng và kỳ vọng đúng đắn".

Vũ Cường

Bình luận

Phiên bản di động