Tổng Bí thư nói về việc xây dựng một Đà Nẵng - Quảng Nam mới
Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm phát triển AI, bán dẫn của Việt Nam Năm 2025, Việt Nam sẽ có trung tâm tài chính tại TP HCM, Đà Nẵng |
Chiều 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Đà Nẵng dự kiến có 12 phường, xã và 1 đặc khu
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố; báo cáo về việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 57-NQ-TW ngày 22/12//2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, Đà Nẵng đã chủ động với quyết tâm cao, kiên trì, nỗ lực tham mưu và được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo nền tảng, tạo đồng lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
Về triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp với thành phố. Đà Nẵng đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện.
Theo đó, dự kiến thành phố có 12 phường, xã và 1 đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về việc sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị cho phép thành phố (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/202 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP. |
Trong khi đó, về phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực. Thống nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía nam của tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, Quảng Nam có 6 huyện miền núi cao, 71 xã nghèo (trong đó có 14 xã biên giới giáp với huyện Sekong, Lào), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên. Vì vậy, để giảm khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi sau sáp nhập, đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng Đề án áp dụng các cơ chế đặc thù để phát triển khu vực miền núi.
Không tập trung vào Đà Nẵng, mà lãng quên Quảng Nam
Sau khi nghe 2 địa phương báo cáo, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai rất quyết liệt, kiên quyết và dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, được sự đồng thuận cao. Đây là bước đột phá về thể chế để chuẩn bị cho tầm nhìn 100 năm phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều vì lợi ích thiết thực, lâu dài của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Việc cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính đợt này tập trung vào những mục tiêu tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu. Việc giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc để tái phân bổ nguồn lực, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực ưu tiên.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác cùng Ban Thường vụ hai địa phương. Ảnh: VGP. |
Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề. Trong đó, Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Năng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước. Chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển. Vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.
Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 6 huyện miền núi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên. Hạ tầng còn nhiều tồn tại. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.
“Như vậy, so sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương khác. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Từ đó, Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một Đà Nẵng-Quảng Nam mới cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.
Tổng Bí thư đề nghị Quảng Nam và Đà Nẵng đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Không gian phát triển mới phải xác định vai trò, lợi thế chiến lược riêng như cực phát triển công nghiệp, logistics Chu Lai, Trung tâm du lịch văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
“Phải quy hoạch tổng thể, phát triển cân bằng, không thể xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng, mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia; triển khai ngay mô hình chính quyền số, đô thị thông minh, nền hành chính hiện đại; chú trọng nâng cao vốn con người xứ Quảng, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới.
Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân và công tác xóa đói giảm nghèo, chăm đời sống, bảo đảm việc làm cho thế hệ trẻ. Tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình ổn định. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai…; tăng cường liên kết vùng, phát triển theo tư duy không biên giới hành chính giữa các địa phương.
“Có thể nói rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư khẳng định Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng.
Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.