Cơ hội và động lực mới cho làng nghề Hà Nội

TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có tới 308 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn quảng bá tinh hoa của mảnh đất Thăng Long, từ đó phát triển du lịch văn hóa - một trong những lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang ưu tiên đầu tư.
Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế Hà Nội: Công nhận Điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng Thêm kỳ vọng về ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Chinh phục thị trường bằng bản sắc văn hóa

Làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội có tuổi đời hơn 700 năm.Những năm gần đây, làng nghề này trở thành địa điểm du lịch “nức tiếng” thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Du khách gần xa tìm đến nơi đây và ấn tượng không chỉ bởi chính vẻ đẹp hoài cổ độc đáo của ngôi làng, mà còn vì những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được ra đời từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho hay, Bát Tràng có gần 300 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được đông đảo khách hàng tại nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và hiện đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Giá trị hàng hóa sản xuất hằng năm đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thương mại, nhiều nghệ nhân tại làng nghề Bát Tràng đã phục chế thành công những tác phẩm gốm sứ cổ.

Cơ hội và động lực mới cho làng nghề Hà Nội
Khách Tây trải nghiệm làm gốm ở Bát Tràng

Ngoài ra, ngôi làng này còn có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa.

Năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là điểm du lịch của Thủ đô, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội làng Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vào mùa cao điểm, có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Điều này cho thấy, Bát Tràng là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Cùng với làng nghề Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc cũng là một trong những điểm du lịch hút khách du lịch. Bao đời nay, lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, sản phẩm đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc là những sản phẩm lụa tơ tằm như: Lụa hoa, lụa trơn, lụa se, với nhiều hoa văn phong phú từ truyền thống đến hiện đại. Nhưng đặc biệt phải kể đến sản phẩm lụa vân - được ví như đặc sản của làng nghề dệt lụa. Lụa Vân nghĩa là mây trên lụa - nhìn lụa như thấy có mây.

Hiện nay, các nghệ nhân của làng nghề còn khôi phục được sản phẩm gấm đã bị thất truyền - sản phẩn cùng với lụa vân đã có mặt tại Đấu xảo Quốc tế Paris và đã được tặng danh hiệu "Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương" .

Cơ hội và động lực mới cho làng nghề Hà Nội
Học sinh thích thú tham gia vào các công đoạn làm gốm

Sự hồi sinh mạnh mẽ

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Riêng huyện Thường Tín có 126 làng nghề, 16 nghìn cơ sở sản xuất. Những sản phẩm thêu Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, lược sừng Thụy Ứng hay sơn mài Hạ Thái... đã biến những ngôi làng Thường Tín bình dị trở thành những điểm đến của du khách gần xa. Ở vùng xứ Đoài, những làng nghề như Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng, Dị Nậu… cũng làm phong phú thêm cho làng nghề truyền thống của Hà Nội với các sản phẩm đồ gỗ, các loại quạt, chuồn chuồn tre…

Từ thế mạnh đó, những năm qua, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Theo thống kê, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất với doanh số chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Ngoài ra là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc. Sản phẩm gốm sứ, đồ mộc được tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Nhật, còn sản phẩm khảm trai, ốc, mây tre đan được tiêu thụ rộng khắp ở Châu Âu...

Cơ hội và động lực mới cho làng nghề Hà Nội
Khách Tây thích thú với sản phẩm lụa Vạn Phúc

Những năm gần đây, giữa cơn lốc của vòng xoáy thương mại, các làng nghề của Hà Nội cũng dần chuyển mình và bắt kịp với xu thế bằng chuyển đổi số, bằng các sản phẩm thủ công độc đáo, đặc sắc kết hợp với phát triển dịch vụ. Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong việc giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng để tạo một không gian du lịch xanh, sạch, đẹp thân thiện cho du khách.

Chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của các làng nghề Hà Nội, trong đó có làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, mới đây, Hội đồng Thủ công Thế giới đã trao tặng danh hiệu Thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu cho 2 làng nghề này. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người dân làng nghề, khẳng định khả năng hội nhập mạnh mẽ với thế giới.

Động lực mới, cơ hội mới

Đóng góp giá trị của làng nghề cho lĩnh vực du lịch là điều dễ thấy. Bên cạnh những làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn như Bát Tràng, Vạn Phúc, Hạ Thái… năm 2024, hai làng nghề được lựa chọn trong tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã và đang trở thành điểm đến ấn tượng của tour du lịch ngoại thành Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng đánh giá, mỗi làng nghề trên địa bàn Thủ đô lại mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm từ những đôi bàn tay tài khéo của vùng đất này đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. “TP Hà Nội phấn đấu tới năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Cơ hội và động lực mới cho làng nghề Hà Nội
Hội đồng Thủ công Thế giới đã trao tặng danh hiệu Thành viên mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu cho làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng

Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” của Thành ủy Hà Nội đã khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Thành phố đã ban hành quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô.

Điều này đã tạo ra cơ hội mới và là động lực để các làng nghề truyền thống ở Hà Nội chuyển mình, từng bước hội nhập với thế giới, đóng góp vào thành công của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 15/1/2025 về việc phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", nêu: Giai đoạn 2025 - 2030, TP sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển 10 làng từ "Làng nghề" lên "Làng nghề truyền thống"; Phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm.
Thái Sơn
Phiên bản di động