Phát huy giá trị di sản Nhà sàn Bác Hồ

65 năm qua, kể từ năm 1958, Nhà sàn Bác Hồ như một biểu tượng về nhân cách giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại. Từ đó đến nay, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ Khu Di tích Hồ Chí Minh đã không ngừng gìn giữ di sản này để tiếp tục kể những câu chuyện xúc động về Người cho Nhân dân và du khách quốc tế.
Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng nhiều tài liệu quý về Bác Hồ Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh Dấu ấn của Bác Hồ với Đảng bộ TP Hà Nội trên chặng đường 93 năm

Nơi ghi dấu sâu đậm phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn, tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Giữa tháng 12/1954, Người bắt đầu chuyển về sống và làm việc tại Khu vực Phủ Chủ tịch.

Theo bà Nguyễn Thu Hằng, cán bộ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, sau 4 năm đầu Người sống và làm việc trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc được tốt hơn, nhưng Người đều từ chối. Tháng 3/1958, trong chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trên đường trở về Thủ đô Hà Nội, Bác nhìn thấy bản làng có nhiều đổi thay, nhiều nếp nhà sàn mới, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Người rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác một ngôi nhà mới, theo Bác nên làm 1 ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao, theo kiểu ngôi nhà của đồng bào Việt Bắc”. Thực hiện mong muốn ấy của Người, sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà được hoàn thành ngày 17/5/1958.

Phát huy giá trị di sản Nhà sàn Bác Hồ
Di tích Nhà sàn Bác Hồ

Ngôi nhà có hai tầng, tầng dưới để thoáng và thường được Bác sử dụng làm nơi họp với Bộ Chính trị, gặp các cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và thỉnh thoảng Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và quốc tế. Tầng trên có hai phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2, với những tiện nghi sinh hoạt hết sức đơn giản. Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị, nhưng là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969).

Ký ức của người cận vệ già

Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch kể lại, Nhà sàn Bác Hồ chính là biểu tượng, là huyền thoại về nhân cách Hồ Chí Minh giản dị, thanh tao nhưng vô cùng vĩ đại. Tại đây, trên cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại như: “Đạo đức cách mạng” (1958); “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” (1965), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước”(1966);…

Từng là chiến sĩ công an bảo vệ Bác Hồ từ năm 1966 đến 1969, được sống gần Bác, ông Trần Viết Hoàn thấm nhuần phong cách và lối sống giản dị của Người. Những câu chuyện về Bác khi còn sống cho đến giờ vẫn còn in trong tâm trí của người cận vệ già. Ông Hoàn kể lại, trong những di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đã mang lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai đặt chân đến. “Hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách nhiều nước khi đến Việt Nam, vào thăm nơi ở và làm việc của Người với tình cảm ngưỡng mộ, trân trọng, cảm phục về nhân cách Hồ Chí Minh. Bởi vì, nơi đây, không sơn son thiếp vàng, không ngọc ngà châu báu, nhưng có ngôi nhà Sàn của Bác đã đi vào huyền thoại” – ông Hoàn kể.

Phát huy giá trị di sản Nhà sàn Bác Hồ
Những vật dụng giản dị, đơn sơ trong Nhà sàn Bác Hồ

Được phục vụ Bác nhiều năm, ông Hoàn nhớ từ những hành động, cử chỉ của Người. Đó là mỗi khi Bác đi công tác, Bác luôn có quà cho mọi người. Món quà nhỏ như kẹo, quả táo... nhưng thể hiện sự quan tâm và tình thương bao la của Người. Sau khi Bác mất, năm 1969, ông Hoàn đảm nhận công việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản Bác Hồ để lại nên được nhiều người gọi là "người giữ nhà sàn của Bác". Ông Hoàn bảo, có nhiều người nước ngoài đã có dịp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người, sau này khi trở lại Việt Nam đến thăm nơi này đã kể lại với giọng đầy xúc động: "Chúng tôi không thấy có gì cách biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi. Người rất hiểu chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy Người là người anh, người bạn, người đồng chí và cũng là Bác Hồ của chúng tôi. Được gặp Người quả thật là một diễm phúc nhất trong đời...".

Nhà sàn Bác Hồ - Huyền thoại về một vĩ nhân
Hình ảnh Bác với lối sống giản dị, thanh tao được thể hiện tại Nhà sàn Bác Hồ

Phát huy giá trị di tích Nhà sàn Bác Hồ bằng giáo dục di sản

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, công tác bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Khu di tích nói chung và Di tích Nhà sàn nói riêng nhiều năm qua đã được quan tâm đặc biệt. Nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ”, một “trường học thực tiễn” cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng Nhân dân đến tham quan, nghiên cứu và học tập…

Theo số liệu thống kê của phòng Tuyên truyền Giáo dục, hàng năm, đội ngũ thuyết minh viên tại Khu di tích hướng dẫn trung bình khoảng 2600 đoàn khách thăm quan, với rất nhiều đối tượng khác nhau. Trong số đó, các đoàn khách học sinh, sinh viên chiếm 1/5 tương đương với 1.500 lượt khách.

Phát huy giá trị di sản Nhà sàn Bác Hồ
Học sinh tham quan Di tích Nhà sàn Bác Hồ

Tuy vậy, theo ý kiến của Ths. Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông (Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám), cho đến nay tại Khu di tích Phủ Chủ tịch mới chỉ có hoạt động hướng dẫn tham quan truyền thống mà chưa có chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh phổ thông.

Dựa trên lý thuyết và kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục di sản của các khu di sản trên thế giới, chuyên gia này cho rằng, để Khu di tích Phủ Chủ tịch thực sự trở thành địa điểm học tập mà học sinh của tất cả lứa tuổi có thể tận mắt trải nghiệm, học tập và được truyền cảm hứng từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các chương trình giáo dục di sản tại đây cần được quan tâm.

Đặc biệt, theo Ths Hà, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc tích hợp các thiết bị thông tin, truyền thông và đa phương tiện khác nhau vào giáo dục di sản Nhà sàn Bác Hồ và sự phổ biến của các chương trình học tập suốt đời dựa trên internet là hình thức thú vị.

“Làm thế nào để các em học sinh trên mọi miền tổ quốc và trên thế giới, dù ở xa đến đâu đều có thể tìm hiểu về nhà sàn Bác Hồ và học tập theo tấm gương đạo đức của Người? Chúng ta có thể xây dựng các tour tham quan nhà sàn ảo, cung cấp thông tin về các hiện vật, về những câu chuyện sống và làm việc của Bác Hồ tại nhà sàn,.. Các em học sinh từ khắp nơi trên thế giới có thể truy cập vào website để tham gia các trò chơi online và tương tác về di sản nhà sàn Bác Hồ, tô tranh, giải đố ô chữ, trả lời bảng hỏi,..” – Ths Đường Ngọc Hà cho biết.

Có như vậy, các chương trình giáo dục di sản về nhà sàn Bác Hồ sẽ góp phần phát huy hơn nữa các giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thái Sơn
Phiên bản di động