Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ

Cố họa sĩ Bùi Trang Chước (1915 - 1992) là người con của thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, ông đã vẽ rất nhiều chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công, để lại cho hậu thế những tác phẩm trường tồn cùng năm tháng.
Tiếp nhận nhiều kỷ vật, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của cố họa sĩ Bùi Trang Chước Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một đời lặng lẽ cống hiến

Cậu bé Nguyễn Văn Chước sinh ra vào mùa hạ - tháng 5 năm 1915 tại thôn Phú Xá (Phú Thượng, Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Mười chiếc hoa tay trên đôi tay của cậu bé Chước ngày đó như sự tiên đoán về một nghệ sĩ tài hoa sau này.

Quả đúng như vậy, sau này ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1941, ra trường, ông đã trở thành thầy giáo giảng dạy tại trường Kiến trúc Đà Lạt. Khả năng thiết kế và trang trí đồ họa của ông được những người thầy đi trước đánh giá xuất sắc, thuộc hàng “thế hệ vàng” của trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương. Nhiều sáng tác và thiết kế của cố họa sĩ Bùi Trang Chước có tính mỹ thuật và ứng dụng thực tiễn rất đa dạng. Cả một đời cống hiến không ngừng nghỉ, cái tên Bùi Trang Chước là một tấm gương sáng ngời cho nhiều họa sĩ, nghệ sĩ trong nền mỹ thuật Việt Nam noi theo.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Mẫu thiết kế huy hiệu Tổng Công đoàn Việt Nam của cố họa sĩ Bùi Trang Chước

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, họa sĩ Bùi Trang Chước cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và bắt đầu công việc giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Khi toàn quốc kháng chiến, thầy giáo Chước đã lên Việt Bắc theo cách mạng và tiếp tục nghề giáo tại trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc.

Với những tác phẩm nổi tiếng như Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, và các tác phẩm mẫu tem thư, mẫu tiền, họa sĩ Bùi Trang Chước đã góp phần lớn vào sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng tạo ra nhiều biểu trưng quan trọng như "biểu trưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam", mẫu "Huy chương du kích", mẫu "Bảng vàng danh dự"... Cả tấm lòng và tài năng nghệ thuật của mình đã được họa sĩ Bùi Trang Chước dành trọn vẹn cho Bác Hồ, cho đất nước.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của thầy giáo Chước

Sự cần mẫn và tâm huyết của cố họa sĩ Bùi Trang Chước được thể hiện qua những điều rất nhỏ. Ví như hình ảnh bông lúa vàng trên mẫu Quốc huy Việt Nam, ông đã ra ruộng lúa để chọn hái những bông lúa nước trĩu hạt mang về “nghiên cứu”. Họa sĩ đã cẩn thận quan sát độ cong, độ rủ và ánh sáng phản chiếu trên bông lúa để tái tạo lại bằng đường nét nghệ thuật trên giấy, để truyền tải cái hồn của đất nước vào từng tác phẩm.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Mẫu thiết kế Quốc huy Việt Nam mang hình ảnh lúa vàng trĩu nặng, thể hiện ý tưởng về nền nông nghiệp đặc trưng của quê hương
Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Tới ngày nay, mẫu Quốc huy Việt Nam vẫn sử dụng thiết kế của danh họa Bùi Trang Chước

Không chỉ là một danh họa, ông còn là thầy của khóa họa sĩ cách mạng đầu tiên (khóa Mỹ thuật Kháng chiến) của Việt Nam với 22 người học trò. Những học sinh của ông sau này đã góp nhiều công sức sáng tạo cho nền văn học – nghệ thuật nước nhà trong thời toàn quốc kháng chiến. Họa sĩ Trần Ngọc Linh – học trò của cố họa sĩ - luôn nhắc tới ông với hình ảnh một người thầy đức độ và hiền lành, luôn nỗ lực, tận tụy, đam mê nghệ thuật, không quan tâm đến danh vọng.

Cố họa sĩ Lê Lam từng chia sẻ về người thầy năm ấy với sự bùi ngùi: “Thầy nói ít lắm, rất nhẹ nhàng và sát sao với học sinh. Chúng tôi được thầy truyền thụ rất nhiều kiến thức quý báu, hơn hết nữa là ngọn lửa yêu nghề, yêu nước luôn sục sôi. Tôi nhớ khi dạy, thầy luôn chỉ bảo chúng tôi những thứ tỉ mỉ, nhỏ nhặt nhất. Chưa bao giờ tôi nghe thầy to tiếng với ai một câu. Giọng thầy chậm rãi, nét mặt hiền từ nhưng tính cách rất “kiên quyết”. Ông luôn kiên nhẫn dạy chúng tôi cho đến khi tất cả hiểu toàn vẹn một vấn đề hội họa đang khúc mắc thì thầy mới chuyển sang đề tài khác”.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Hai tấm hình Bác Hồ của danh họa Bùi Trang Chước được Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân mang bên mình khi bay vào không gian năm 1977

Đặc biệt, cố họa sĩ là tác giả của hàng trăm mẫu tem thư Việt Nam, được giới họa sĩ coi là “ông tổ vẽ tem” đầu tiên của nước nhà. Vô số mẫu tem của thầy giáo Bùi Trang Chước được các nhà sưu tầm tem thư trên thế giới ráo riết săn tìm. Tiêu biểu như mẫu tem vẽ nữ anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi (1927 – 1951), bộ tem đắt giá nhất trong bộ sưu tập tác phẩm của danh họa Bùi Trang Chước phát hành ngày 3/11/1956. Do bộ tem này có giá mặt rất cao và do số lượng của nó còn tồn tại rất ít trên thị trường tem chơi Việt Nam và quốc tế nên cho tới thời điểm hiện nay, nó vẫn giữ kỷ lục là bộ tem Việt Nam hiếm và giá trị nhất.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Bộ tem anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi được phát hành năm 1956 với 4 màu
Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Một phần trong bộ sưu tập tác phẩm tem thư đồ sộ của cố họa sĩ

Những hậu duệ miệt mài gìn giữ “tên cha, chữ thầy”

Năm 2019, phố Bùi Trang Chước tại Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã chính thức được đưa vào hoạt động. Đảng và Nhà nước đã ra quyết định, lấy tên của vị danh họa để đặt cho một con đường tại nơi chôn rau cắt rốn của ông. Sự vinh danh đó dành cho người cha, người thầy thân yêu đã khiến gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước và các học trò của ông – nay đã là những người ông, bà lớn tuổi – rơi nước mắt vì mừng vui. Tên của ông sẽ được lưu lại với thời gian để những lớp người đi sau luôn nhớ về và noi gương người thầy giáo nhẫn nại, hiền lành và tận tâm với đất nước.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Con phố mang tên người thiết kế Quốc huy Việt Nam

Trò chuyện với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Bùi Minh Thủy – con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước – đã không khỏi xúc động khi nói về người cha thân yêu.

Bà Thủy trầm ngâm nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha cặm cụi bên bàn làm việc trong ánh đèn dầu heo hắt, họa nên từng đường nét với ánh mắt rất đỗi thành kính và trìu mến khi vẽ chân dung Bác Hồ. Vừa làm việc, vừa sơ tán, chiến đấu, tuy nhiên dù đi đâu, cha vẫn luôn mang theo toàn bộ giấy tờ và bản thảo của mình để liên tục sáng tác. Ông đã có những cách giữ gìn những tác phẩm của mình rất độc đáo. Ông dùng những ống tre được bọc kĩ, bên trong là những con tem, bản phác thảo gói kín trong nilon rất tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi ông yêu và trân trọng tất cả những gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước này”.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Hai tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh của thầy giáo Chước được vẽ tay tỉ mỉ và hoa mỹ tới từng đường nét

Nhiệm vụ khó nhất đối với cố họa sĩ, theo bà Thủy kể lại, chính là vẽ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ tiền giấy.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
(Trái qua phải) Trung tướng Phạm Tuân, họa sĩ Trần Ngọc Linh, Giám đốc TT Lưu trữ Quốc gia 3 Trần Việt Hoa, bà Bùi Minh Thủy - con gái Cố họa sĩ - chụp hình cùng chân dung Bác Hồ trong lễ giới thiệu và tiếp nhận tài liệu mới đây.

“Việc thực hiện mẫu thiết kế đồ họa cho chân dung Bác Hồ trên tờ tiền Việt Nam ngày ấy đòi hỏi bố tôi phải làm việc đêm ngày để cho ra bản thảo hoàn thiện nhất. Cái khó đó chính là cụ phải vẽ Bác ở kích thước nhỏ, sau đó lại phóng to ra để áp dụng kỹ thuật “trải nét” phân tách các điểm ảnh vô cùng cầu kỳ. Tiếp đó bố tôi lại thu nhỏ hình ảnh lại, chỉnh sửa hoàn thiện trong nhiều ngày để hôm nay chúng ta có hình ảnh Bác Hồ trên những tờ tiền giấy chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày” – bà cho biết.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Các bản thảo và mẫu tiền giấy thực hiện bởi họa sĩ Bùi Trang Chước

Để đánh giá về bất cứ tấm chân dung nào về Bác Hồ của thầy Chước, dù là chính diện hay góc nghiêng, họa sĩ Trần Ngọc Linh cho rằng, tất cả các tấm chân dung đều thể hiện được thần thái nghiêm trang mà rất đỗi hiền từ của vị lãnh tụ dân tộc Việt Nam.

“Phải yêu Bác lắm, kính Bác lắm thì thầy tôi mới vẽ được hình ảnh Người sống động và thân thương như vậy. Bất cứ ai chiêm ngưỡng cũng phải xúc động nhận xét rằng, họ đã thấy được ánh mắt lấp lánh của Bác trong những bức chân dung của thầy. Quả thật rất đáng quý” - họa sĩ Trần Ngọc Linh nói.

Tại Việt Nam, có thể nói, gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước là gia đình duy nhất có tới hai thế hệ là nhà thiết kế và vẽ đồng tiền cho đất nước. Được truyền tình yêu và đam mê hội họa từ cha, con cả của thầy là cố họa sĩ Bùi Trang Toàn cũng đã cống hiến hết mình. Ông đã họa nên bức chân dung Bác Hồ trên tờ tiền polyme hiện hành ngày nay. Giống với cha, cố họa sĩ Trang Toàn cũng là người hết sức chăm chỉ và cống hiến hết mình cho công việc và đất nước.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Người học trò của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, họa sĩ Trần Ngọc Linh

Trong lĩnh vực tranh sơn khắc, Bùi Trang Chước là một nghệ sĩ đầy cảm hứng với những tác phẩm nổi bật như "Vịnh Hạ Long" (1960), "Khu gang thép Thái Nguyên" (1970) và "Thủy điện Thác Bà" (1975). Những đóng góp của ông đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau.

Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Công trường thủy điện Thác Bà (1975) (Bột màu) - Tác giả Bùi Trang Chước
Chuyện người họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ
Vịnh Hạ Long (1960) (Bột màu) - Tác giả Bùi Trang Chước

Theo lời bà Thủy, trải qua thời gian chiến tranh và hòa bình, nhiều tác phẩm của cố họa sĩ đáng tiếc đã bị mối xông, ẩm mốc, tàn phai bởi nhiều yếu tố tự nhiên. Ông từng vẽ rất nhiều, hàng chồng hàng lớp bản thảo, tài liệu tới ngày nay chỉ còn lưu lại được rất ít.

“Gia đình chúng tôi đã đã gửi toàn bộ các tài liệu, tác phẩm gốc còn bảo quản được tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III từ năm 2003. Đó là cách tốt nhất để giữ gìn những nét vẽ của ông cho thế hệ mai sau. Một phần vì gia đình không muốn những điều quý giá ông để lại bị phai nhạt theo tháng năm. Phần quan trọng nhất chính là chúng tôi muốn đóng góp những tác phẩm của ông cho Nhà nước. Tôi rất mong muốn lan tỏa di sản nghệ thuật của cha tới công chúng, để thêm nhiều người biết về ông, vinh danh ông xứng đáng với những đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà” - bà Thủy nói.

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và 108 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Trang Chước (21/5/1915 – 21/5/2023), Đảng và Nhà nước sẽ truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật dành cho thầy giáo Chước.

Giải thưởng không chỉ nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của của cố họa sĩ trong hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, mà còn ghi nhận, trân trọng tình cảm của danh họa dành cho Bác Hồ thông qua những tác phẩm "để đời", sống mãi với thời gian.

Tùng Linh
Phiên bản di động