Ngày 17/3/1930, Đảng bộ TP Hà Nội được thành lập. Trải qua chặng đường 93 năm xây dựng và trưởng thành, những quyết sách lớn lao, gắn với từng giai đoạn lịch sử của Đảng bộ TP Hà Nội đều mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược về “trái tim của cả nước” trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
PV: Thưa Giáo sư, sự ra đời của Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn 1930 có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung thời kỳ cách mạng?
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930. Ngay sau đó, ngày 17/3/1930, tại ngôi nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ TP Hà Nội được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành uỷ lâm thời. Ngày 17/3 cũng là ngày có ý nghĩa đặc biệt, ghi dấu sự kiện Công xã Pari năm 1871 với việc giai cấp vô sản Pháp giành chính quyền. Điều này càng cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa rằng, con đường cách mạng của Đảng chính là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Từ khi Đảng bộ Hà Nội ra đời, các cuộc đấu tranh của Nhân dân có tổ chức và kiên trì, kiên cường, từng bước thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc. Đặc biệt, phải thấy được vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có Đảng bộ Hà Nội đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945 ở Hà Nội. Quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi triệt để, mở đầu cho các địa phương khác trong cả nước giành chính quyền như Huế (23/8), Sài Gòn (25/8)… Cờ đỏ sao vàng rợp khắp cả nước. Đó là sự kiện giành chính quyền hiếm có trong lịch sử không đổ máu. Điều này thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, đặc biệt mang dấu ấn sáng tạo, tiên phong của Đảng bộ Hà Nội, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
PV: Trên chặng đường 93 năm qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội được thể hiện ở từng giai đoạn lịch sử của Thủ đô ra sao, thưa Giáo sư?
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Cả cuộc đời các mạng của Bác bôn ba nhiều nơi, nhưng Người có tới 24 năm sống, gắn bó với Hà Nội nên dấu ấn của Bác trong sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội và Nhân dân Thủ đô rất đậm nét. Rõ nhất là năm 1945, khi Bác từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta lúc bấy giờ đã bố trí cho Bác ở ngôi nhà của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, nơi mà Bác viết "Tuyên ngôn độc lập", sau đó đọc ở Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp đó, ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc (quận Hà Đông ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đồng thời, Người gửi thư, nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, những người đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rằng, “lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em”.
Trong những năm tháng gian lao kháng chiến chống Pháp, Người đã gửi thư cho đội du kích Thủ đô và đồng bào vùng Hà Nội, khen ngợi những chiến công của quân dân Hà Nội. Người “viết thư này với cả tấm lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng”; đồng thời nhấn mạnh: “Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc”…
Từ năm 1955, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội.
Tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Người khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”. Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
"Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác..."
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bác có dự đoán thiên tài về khả năng Mỹ ném bom Hà Nội. Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách PK-KQ), Bác đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự quan tâm, hối thúc, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Người là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần động viên, chỉ hướng để bộ đội phòng không, không quân, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội cùng cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972, làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nức lòng Nhân dân thế giới, để Hà Nội xứng danh là“Thành phố của lương tâm và phẩm giá”.
PV: Thưa Giáo sư, quan điểm của ông như thế nào về việc trong giai đoạn đổi mới, Đảng bộ TP Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối phát triển của Đảng và Bác Hồ để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại?
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Hiện nay, Đảng bộ TP Hà Nội có thể coi là một Đảng bộ lớn của cả nước với hơn 470.000 đảng viên.
Bác Hồ từng nói là, Đảng là một cơ thể sống nên Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng đảng viên Hà Nội, tổ chức chi bộ đảng của Hà Nội và đoàn đảng nói chung. Đảng viên có tốt thì chi bộ mới mạnh, chi bộ mạnh thì toàn đảng sẽ mạnh.
Kế thừa được tư tưởng đạo đức, đường lối đó, Đảng bộ Hà Nội đã thực hiện rất tốt quy chế dân chủ: dân chủ với dân, dân chủ trong nội bộ đảng, thực hành dân chủ trong đảng để thúc đẩy dân chủ xã hội. Tiếp đến là coi trọng vai trò của đội ngũ đảng viên trung kiên, trong đó có đảng viên là tiền bối lão thành cách mạng, trí thức văn nghệ sĩ, khoa học kỹ thuật.
Đảng bộ Hà Nội là cũng là một trong những Đảng bộ đi đầu cả nước trong việc xây dựng chi bộ 4 tốt, thực hiện tiêu chuẩn đảng viên, đẩy mạnh tự phê bình, phê bình và học tập, làm theo di chúc của Bác; chú trọng phát huy vai trò của thanh niên, thanh niên xung phong… Tất cả điều đó, để cho thấy là mỗi bước trưởng thành của Đảng bộ Hà Nội gắn với sự đi lên của Thủ đô và đất nước.
Năm 1986, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh ấy, Đảng bộ và chính quyền Thủ đô đã rất kiên cường, vững vàng chèo lái, đưa Hà Nội trở thành “đầu tàu” về kinh tế, chính trị, văn hóa. Kết quả rất rõ nét: Năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Hà Nội nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng”.
Sau khi sáp nhập và mở rộng, Hà Nội giờ trở thành 1 trong 17 thành phố lớn nhất thế giới. Thăng Long – Hà Nội được Nhân dân thế giới ngưỡng mộ và ghi nhận.
Sinh thời, Bác luôn nói, Hà Nội phải làm sao để xứng đáng là thủ đô của cả nước, người Hà Nội thanh lịch để là gương sáng về văn hóa cho đồng bào cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu chúc mừng đồng chí Đinh Văn Chỉ, đảng viên Chi bộ 6, Đảng bộ phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. |
Trong 37 năm đổi mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đặc biệt, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.
Có thể nói, trong giai đoạn phát triển mới, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Điều này là minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, đồng thời là sự lãnh đạo vững vàng, vận dụng sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân Thủ đô trong suốt chặng đường 93 năm qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Thái Sơn (thực hiện)