PGS.TS Trần Thành Nam: Dạy con đừng như mẹ hổ
Phòng chống xâm hại trẻ em: Dạy con đừng bao giờ im lặng... Những lưu ý khi dạy con sống tự lập Dạy con sống tích cực bằng những lời nói nhẹ nhàng |
PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ trong một sự kiện tại Hà Nội.
Kéo con lại gần hay đẩy con xa hơn?
Chuyên gia giáo dục Thành Nam đã kể 2 câu chuyện ứng xử đối lập về câu chuyện dạy con.
Câu chuyện thứ nhất về mèo mẹ và bầy con. Mèo mẹ và bầy con đang ngủ yên trong cái ổ ấm êm. Một con mèo con thức dậy, tò mò đi khám phá thế giới. Gặp người lạ, nó rít lên một tiếng rất kinh khủng, toàn thân lông dựng ngược và nhảy lùi lại vì sợ hãi. Mèo mẹ ngay lập tức phi đến, không để ý gì khác tha ngay con về ổ, liếm láp vỗ về cho đến khi lông con mềm mượt xuôi trở lại.
Câu chuyện thứ hai là về cách ứng xử thường thấy ở Việt Nam khi con mắc lỗi. Cô giáo gọi điện về cho phụ huynh là con ở trường xô đẩy với bạn và gãy tay. Phụ huynh lập tức lao đến trường, lập tức hỏi con, hỏi bạn hỏi cô vì sao xảy ra chuyện rồi mới đưa con đi bệnh viện. Khi người thân đến thăm con thì bắt đầu kể chuyện vạch ra lỗi của con.
PGS.TS Thành Nam cho biết, sự khác biệt ứng xử trong 2 câu chuyện này là sai lầm trong ứng xử của phụ huynh: khi con gặp chuyện và bất an, bố mẹ không trấn an cảm xúc cho con, khiến con cảm thấy mình không là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ. Việc sợ hãi khi bị thương và mắc lỗi chưa yên ổn đã bị cha mẹ kể cho người khác nghe khiến con xấu hổ và có tâm lý phản nghịch.
Chuyên gia giáo dục Thành Nam chia sẻ các câu chuyện dạy con theo kỉ luật không nước mắt. |
Những sai lầm trong ứng xử với lỗi của con cứ tích tụ, tích tụ và đẩy con dần xa bố mẹ, tạo ra khoảng cách thế hệ to lớn và việc bố mẹ - con cái không thể nói chuyện với nhau sau này.
Nếu bố mẹ ứng xử như mẹ mèo, đến trương lập tức trấn an con: “Không có chuyện gì đâu, có bố mẹ đây rồi”, không kể lể vạch lỗi và để đến khi con bình tĩnh lại rồi hỏi: “Trong chuyện này con biết con sai ở đâu và rút ra bài học gì cho mình?”, mọi chuyện sẽ rất khác.
10 phút trọn vẹn cho con: khuyến khích hành vi đúng, giảm bớt hành vi sai
PGS.TS Thành Nam khẳng định: Thứ kỉ luật không nước mắt này chỉ có thể áp dụng thành công trên nền tảng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái. Vậy làm sao để xây dựng mối quan hệ tích cực này?
Gợi ý từ chuyên gia giáo dục Thành Nam là cha mẹ hãy nhận rõ thực tế kì vọng bản thân khác biệt với đặc điểm của con ra sao và áp dụng khen thưởng, hình phạt tích cực. Không thể bắt một cậu bé hiếu động ngồi yên và khen ngoan. Thay vì vậy, hãy nghĩ việc để con làm. Cha mẹ có thể cùng con lập một bảng thưởng phạt và để con tự theo dõi điểm thưởng, điểm phạt. Phần thưởng nên nghĩ tới những điều con thích mà miễn phí như: xem tivi, cho mượn ipad, đi siêu thị, đi chơi… Quan trọng nhất là khi giao tiếp với trẻ con là nhìn vào mắt con, là sự đụng chạm như xoa đầu, là sự hào hứng trong giọng nói… để trẻ hiểu rằng bố mẹ đang tập trung vào con chứ không phải nói lấy lệ.
Bên cạnh đó, thầy Nam cũng mang đến một clip thú vị khác - câu chuyện về người bố đơn thân bận rộn với cô con gái nhỏ 3 tuổi nhiều hành vi sai. Không có quá nhiều thời gian dành cho con, ông bố này nghe theo lời khuyên của chuyên gia: Dành trọn vẹn cho con 10 phút mỗi ngày. Ông bố đã tạo một không gian riêng bày đồ chơi thành vòng tròn. Trong 10 phút dành riêng cho con ấy, việc duy nhất ông bố phải làm là ngồi vào vòng tròn xem cô con gái nhỏ chơi, xoay vòng theo di chuyển của con và nói chuyện cùng con gái. Cô con gái nhỏ tự chơi quanh bố vô cùng vui vẻ, dần dà giảm bớt hành vi sai, cố gắng làm những việc để bố khen.
Bí quyết 10 phút trọn vẹn cho con, không điện thoại, không tivi hay thiết bị thông minh nào khác hoàn toàn có thể áp dụng được trong đời sống của người Việt. Đây cũng là lời khuyên của PGS.TS Thành Nam dành cho các bậc cha mẹ bận rộn để giúp con điều chỉnh hành vi.