Quốc hội cần lên tiếng khi xâm phạm tình dục trẻ em đang nổi lên, khiến xã hội bức xúc
Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 33, cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020.
Trình bày báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tính đến ngày 23/3/2019, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, rà soát những nội dung kiến nghị đề xuất này với những nội dung có liên quan đã được Quốc hội, các cơ quan tiến hành giám sát từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Tổng Thư ký đã lựa chọn 7 nhóm nội dung và gửi xin ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã họp xin ý kiến đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề.
Về nội dung chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội. Đó là các nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”; “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải”.
Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị lựa chọn 2 chuyên đề thứ nhất và thứ hai. Trong đó, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thứ nhất, nhưng khoanh hẹp phạm vi trong lĩnh vực tư pháp.
Đồng ý với báo cáo của Tổng Thư ký, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý năm 2020 có rất nhiều công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng, cũng như là năm Việt Nam đảm nhận chủ nhà của nhiều sự kiện đối ngoại nên việc chỉ lựa chọn giám sát 2 chuyên đề ở Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban có thể lựa chọn giám sát các vấn đề bức xúc khác, hướng vào những nội dung nhằm đóng góp vào các báo cáo văn kiện Đại hội Đảng. "Vấn đề về trẻ em nếu tính cả bạo lực học đường thì rất nhiều. Tôi thống nhất nên chọn đề án này nhưng góc độ nào thì cần tính toán, có thể liên quan tư pháp, thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em. Quốc hội cũng phải lên tiếng về vấn đề này khi hàng ngày nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em như thế. Tôi tin sẽ được đa số đại biểu Quốc hội đóng góp", Chủ tịch Quốc hội nói
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, xâm phạm tình dục trẻ em đang nổi lên, khiến xã hội rất bức xúc. Trong điều kiện các ngành, các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên giới hạn lại trong hoạt động tư pháp. Bà Phóng đề nghị giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cùng đề nghị lựa chọn chuyên đề thứ hai (Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).
Kết luận phiên họp, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hai chuyên đề nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định giám sát một trong hai chuyên đề. Chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng |
Nghệ thuật đương đại trong Nhà Quốc hội |