Giáo dục sớm không có nghĩa bắt con học trước chương trình

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng giáo dục sớm cần đúng thời điểm, đúng cách, không nên buộc trẻ học trước chương trình, "chín ép".
10 sự kiện giáo dục đậm dấu ấn "lịch sử" năm 2020 Một số vấn đề về đào tạo từ xa bậc đại học ở nước ta hiện nay

Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm tới vấn đề giáo dục sớm cho con, song không phải phụ huynh nào cũng hiểu đúng thế nào là giáo dục sớm và dạy con sao cho đúng cách.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng phụ huynh không nên ép con học trước, nhồi nhét kiến thức. (Ảnh: KT)
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng phụ huynh không nên ép con học trước, nhồi nhét kiến thức. (Ảnh: KT)

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành. Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Và những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ tạo nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng. Đây cũng chính là lý do và tầm quan trọng của việc giáo dục sớm.

Cũng theo chuyên gia tâm lý, giáo dục Trần Thành Nam, hiện nay không ít các bậc phụ huynh còn hiểu chưa đúng về giáo dục sớm.

“Giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng. Nhiều cha mẹ mong muốn con mình có những tài năng đặc biệt ngay từ sớm, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó ngay từ nhỏ và thúc đẩy một cách cưỡng ép. Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi những cảm xúc của trẻ ở lĩnh vực đó.

Giáo dục sớm không phải là nhằm trang bị cho trẻ nhiều kiến thức khi trẻ còn bé. Tiếp thu kiến thức là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời con người và càng trưởng thành thì việc tiếp thu kiến thức diễn ra ở cả bề rộng và chiều sâu. Bộ não của trẻ cũng nên để có những “khoảng trống” nào đó để chuẩn bị cho việc trẻ học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị “tắc nghẽn” kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ. Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định nên không thể cứ có kiến thức là bắt trẻ phải học tất cả, kiến thức cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cũng theo chuyên gia, giáo dục sớm không phải là ép tất cả các trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi trẻ có những năng lực riêng, đặc biệt là nền tảng sinh học. Đối với trẻ nhỏ lại càng phải quan tâm hơn đến những năng lực chuyên biệt và giúp cho năng lực ấy phát triển một cách tự nhiên nhất. Vì vậy, bố mẹ không nên ép tất cả trẻ nhỏ đều phải phát triển như sau, đều phải học và đạt được kết quả như nhau.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức. Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải "chín ép".

Giáo dục sớm là giáo dục tố chất

Giải thích rõ hơn về giáo dục sớm cho trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, giáo dục sớm là giáo dục tố chất. Cha mẹ và người lớn tác động đến trẻ ngay từ sớm, biết cách tác động một cách khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển tốt hơn khi trưởng thành. Khi trẻ có nền tảng tố chất tốt, mới có hứng thú, say mê, tích cực khi học kiến thức, kĩ năng sau này. Nói cách khác, trẻ có khả năng học được thì trẻ mới có hứng thú và say mê học tập và ngược lại khi có hứng thú say mê học tập sẽ giúp cho trẻ tích cực học tập hiệu quả.

Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục. Cách giáo dục sớm tốt nhất với trẻ là dạy trẻ học thông trải nghiệm.

“Khi cha mẹ dạy con quả bóng, cần có quả bóng thật, đá được và cho trẻ cảm nhận bằng các giác quan, trẻ biết được tác dụng, chức năng của nó và liên hệ với thực tế xung quanh. Hãy để cho trẻ tự biết mình muốn gì, hiểu gì với quả bóng đó và cha mẹ là người hỗ trợ để giúp trẻ hiểu sâu sắc về quả bóng. Trẻ chơi và trải nghiệm cuộc sống là cách học tốt nhất đối với trẻ”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng cách. Giai đoạn quan trọng nhất của sự phát triển não bộ là từ 0- 6 tuổi, nếu bỏ qua giai đoạn này sẽ đánh mất đi những tiềm năng của trẻ. Đây là quá trình kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kì sinh trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng phương pháp chứ không phải bắt ép trẻ học quá nhiều thứ, tạo sức ép và căng thẳng với trẻ. Điều cần làm là trẻ hoạt động một cách vừa sức, thoải mái và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành các giá trị, cảm xúc tích cực, chủ động và sáng tạo. Làm được điều này sẽ là quá trình giáo dục nhằm khai thác tối đa tiềm năng trí lực của con người và “giai đoạn vàng, cửa sổ của cơ hội” là từ 0 - 6 tuổi.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động