Trẻ kém thông minh, cản trở tính tò mò chỉ vì cha mẹ làm điều này
Niềm tin thông minh - Làm cách nào để khôi phục niềm tin? "Sự thông minh trống rỗng" khi cho học sinh dùng smartphone |
Trước chung cư nhà anh Lý có một khuôn viên nhỏ, là thiên đường cho trẻ em vui chơi vào mỗi buổi chiều. Những đứa trẻ thường thích nhảy lên xuống các bậc cầu thang, đào bới đất, nghịch cát, hoặc đi xung quanh nhặt rác. Đặc biệt, mỗi khi mưa xong ở đây có rất nhiều vũng nước đọng, bọn trẻ cực kỳ thích.
Bất cứ khi nào trẻ nghịch nước, một vài cha mẹ sẽ nói "đừng có nghịch nước nữa, bẩn hết quần áo bây giờ", "rác bẩn lắm, con đừng có tùy tiện nhặt như thế, vứt đi", "đừng có nghịch bùn đất như thế con".
Có một cậu bé chạy đến vũng nước và nhảy lên hét lớn: "Bố mẹ ơi, chúng ta nhảy vào vũng nước đi, giống như gia đình heo Peppa á". Không ngờ, bố mẹ cậu bé kia thực sự nhảy vào vũng nước chơi đùa cùng với con mình.
Một cô bé đang ngồi cùng với bà nội có vẻ rất ghen tị với hành động của cậu bé nên năn nỉ bà cho chơi, nhưng người bà lại quát: "Cháu đừng có nghịch, bẩn lắm, nhỡ bị cảm bố mẹ mắng bây giờ". Cô bé quay đầu nhìn lại 3 lần, ánh mắt thèm thuồng được chơi trước khi bị người bà nắm tay dắt đi chỗ khác.
Chuyên gia giáo dục Trung Quốc, Đào Hưng Chí nói: "Cần phải giải phóng đầu óc, tay chân, không gian, thời gian của trẻ để chúng có được sự giáo dục trong môi trường tự do. Việc cho phép trẻ bị bẩn là bước đầu tiên để chúng được tự do làm những điều mình thích. Nếu cha mẹ vì sợ bẩn mà ngăn cấm con mình, trẻ sẽ rất thiệt thòi".
Tác hại của việc cha mẹ ngăn con mình bị bẩn
Chị Lưu là một người rất sạch sẽ, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp. Tuy nhiên, khi có con gái, có nhiều vấn đề xảy ra khiến cô ước bản thân nếu quay lại thời còn trẻ sẽ không "yêu sự sạch sẽ" đến vậy.
Khi con gái muốn tự xúc ăn, làm vương vãi khắp nơi, cô Lưu nghĩ rằng ăn như thế thì bẩn quá, thế là cô lúc nào cũng tự xúc cho con mình ăn.
Khi con gái chơi đùa với bạn, nghịch nước, đào bới đất, lấm lem cả người, cô Lưu liên tục dặn dò: "Cẩn thận đừng làm bẩn áo quần con ơi". Sau vài lần liên tục bị nhắc nhở, con gái cô luôn cẩn thận khi đào đất, thỉnh thoảng đất bị dính vào giày, cô bé vội vàng phủi đi rất nhanh.
Khi con gái thích vẽ và vẽ khắp nơi trong nhà, cô Lưu vì sợ bẩn nên ra lệnh con mình chỉ được phép vẽ trên giấy và nói: "Cẩn thận, lỡ dĩnh ra sàn hay tường thì khó làm sạch lắm".
Dần dần, cô Lưu phát hiện ra con gái mình trở nên kém nhiệt tình, ít quan tâm đến nhiều thứ như trước nữa. Cô bé trở nên rất sợ bẩn, ghét sự bẩn thỉu của người khác. Khi ở trường, cô bé cũng bị mọi người cô lập và lạc lỏng bởi tính cách của mình. Khi bạn bè chơi đùa cùng nhau, cô bé chỉ thích ở một mình.
Lợi ích khi để trẻ bị bẩn
Hoạt động khám phá và trải nghiệm thực tế là cách để trẻ hiểu thế giới thực như thế nào. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu cha mẹ ra lệnh cho trẻ không được chạm vào cái này, cái kia, chúng sẽ có cảm giác như bị giam cầm, không dám chạm vào mọi thứ và bắt đầu thận trọng với tất cả mọi người.
- Khiến trẻ tò mò, tăng tính chủ động tìm tòi học hỏi
Jean Henri Casimir Fabre là một nhà tự nhiên học, nhà côn trùng học và tác giả người Pháp được biết đến qua những cuốn sách nổi tiếng "Côn trùng ký". Ngay từ nhỏ Fabre đã là một đứa trẻ tò mò, những lúc rảnh rỗi mọi người thường thấy ông nằm dài trên bãi cỏ để quan sát đàn kiến.
Fabre vui vẻ xem kiến vàng và kiến đen đánh nhau, trong quá trình quan sát, ông phát hiện ra kiến dùng nụ hôn để truyền tải thông tin, đồng thời phát hiện ra phong cách chiến đấu của chúng.
Vì tính tò mò, Fabre không ngừng quan sát và tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm phong phú, giúp ông hoàn thiện cuốn "Côn trùng ký" nổi tiếng.
Hãy tưởng tượng nếu cha mẹ Fabre sợ con mình bị bẩn kiểu như: "Đừng nằm dưới đất, nhìn kiến bẩn quá", có lẽ nhân loại sẽ không có một nhà tự nhiên học và cuốn "Côn trùng ký".
Trẻ em vốn thích khám phá thế giới xung quanh. Việc chơi với cát và nước sẽ giúp chúng thỏa mãn sở thích khám phá thiên nhiên, đồng thời mang lại cho chúng cảm giác hài lòng và thích thú, điều này đóng vai trò rất tốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của trí não.
- Tăng tính sáng tạo
Sáng tạo không phải là một tài năng mà là khả năng được trao dồi theo thời gian.
Các chuyên gian ở Bắc Mỹ, những người đã nghiên cứu sự sáng tạo trong nhiều năm chỉ ra rằng tính sáng tạo của một người khởi nguồn từ việc tò mò và ham chơi. Những trò chơi trông có vẻ "bẩn thỉu" như nghịch bùn đất, vẽ nguệch ngoạc trên tường, tháo rời đồ chơi một cách lộn xộn và làm bẩn..., đây đều là dấu hiệu của tính tò mò.
Yêu thích sự sạch sẽ là đúng, nhưng nếu cha mẹ phá hủy đi tính sáng tạo và tò mò của con mình vì mục đích sạch sẽ thì đó lại là sai lầm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Anh phát hiện ra khi trẻ em bị lấm lem bùn đất qua các trò chơi, có một số lượng lớn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, nhưng lại vô tình khiến cho hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển mạnh hơn.