Nữ tiến sĩ trẻ luôn “cháy” hết mình với đam mê

35 tuổi, Tiến sĩ Trần Phương Thảo, giảng viên bộ môn Hóa dược, trường Đại học Dược Hà Nội đã sở hữu hàng chục công trình nghiên cứu và nhiều bài báo khoa học. Đặc biệt, chị cùng các cộng sự đã có những thành công bước đầu trong nghiên cứu điều trị căn bệnh suy giảm trí nhớ và ung thư.
Tiến sĩ trẻ sở hữu 9 bằng độc quyền sáng chế Vingroup tài trợ 1 triệu đô la Mỹ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Theo đuổi đam mê

Tiến sĩ (TS) Trần Phương Thảo đam mê nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội, chị tìm kiếm học bổng du học để theo đuổi đam mê của mình. May mắn TS Thảo nhận được học bổng toàn phần của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Thời điểm đó, chồng chị cũng nhận được học bổng tại đất nước này. Vì vậy, cả hai cùng nhau đi du học. Anh chị quyết định hoãn sinh con để có thời gian cho nghiên cứu khoa học.

nu tien si tre luon chay het minh voi dam me
Tiến sĩ Trần Phương Thảo

Thời gian biểu của TS Thảo bắt đầu từ sáng sớm và thường kết thúc tầm 22 giờ trong phòng thí nghiệm. Có hôm, chị làm việc và rời phòng thí nghiệm thì đã quá nửa đêm. Sự cần cù, thông minh của nữ nghiên cứu sinh Việt Nam đã khiến giáo sư hướng dẫn tin tưởng giao thực hiện nhiều đề tài, trong đó có đề tài nghiên cứu phát triển thuốc mới để điều trị căn bệnh Alzheimer - bệnh suy giảm trí nhớ ở người.

“Đây là đề tài hoàn toàn mới ở phòng thí nghiệm Hàn Quốc. Thời gian mình bắt đầu nghiên cứu đề tài này, trên thế giới mới chỉ có một nhóm nghiên cứu ở Đức. Vì thế, mình gặp rất nhiều khó khăn, tất cả mọi thứ đều phải tự mày mò, nghiên cứu”, TS Thảo cho biết.

Theo TS Thảo, Alzheimer là căn bệnh gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ, diễn biến theo thời gian và ảnh hưởng đến toàn bộ các chức năng của não bộ. Hiện trên thế giới chưa có thuốc điều trị tận gốc căn bệnh này mà chỉ điều trị triệu chứng. Chị mong muốn tìm ra được chất ngăn chặn nguy cơ gây bệnh để điều trị tận gốc.

Năm 2015, TS Thảo hoàn thành nghiên cứu sinh và nhận được nhiều lời mời ở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, chị đã từ chối để trở về Việt Nam công tác tại trường Đại học Dược Hà Nội. Tại đây, TS Thảo tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu. Sau gần 6 năm, chị cùng các cộng sự đã tìm thấy một số dẫn chất mới có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer.

Hiện các chất tiềm năng trong nghiên cứu của TS Thảo đã bước qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tiếp tục thử sâu hơn trên động vật. Với sự phối hợp tích cực của các đồng nghiệp ở Hàn Quốc, chị hy vọng trong tương lai gần sẽ có hoạt chất thử nghiệm trên người để sớm ra đời loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Alzheimer.

Có thất bại mới thành công

Một đề tài khác được TS Thảo dành nhiều tâm sức đó là về chữa trị bệnh ung thư. Đây là đề tài cấp nhà nước đầu tiên chị thực hiện sau khi trở về từ Hàn Quốc. Đó cũng là thời điểm chị mang bầu, nuôi con nhỏ nên phải vượt qua nhiều khó khăn để cân bằng giữa công việc và gia đình. Hết thời gian giảng dạy trên giảng đường, chị lại vào phòng thí nghiệm. Buổi tối cho con ngủ, chị lại dậy làm việc.

nu tien si tre luon chay het minh voi dam me
Tiến sĩ Trần Phương Thảo trong phòng thí nghiệm

Đề tài có tính hữu ích với cộng đồng nên càng thúc giục TS Thảo miệt mài lao động. Chị và cộng sự đặt ra mục tiêu sẽ tìm ra những chất mới hoạt hóa enzym caspases, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư. Đề tài do quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí nghiên cứu trong giai đoạn từ 2017 - 2020. Với đề tài này, chị và nhóm cộng sự đã vượt tiến độ hoàn thành trước một năm.

Với việc hoàn thành đề tài, TS Thảo cùng nhóm nghiên cứu tìm ra được một số chất tiềm năng hoạt hóa enzym caspases hướng thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của tế bào ung thư (kết quả trên in vitro). Cùng với các cộng sự, chị mong muốn tiếp tục phát triển hơn nữa các chất có tiềm năng trong đề tài; đồng thời tìm ra các hướng nghiên cứu khác triển vọng trong chữa trị bệnh ung thư.

Làm khoa học đã vất vả, giới nữ làm công việc này càng phải nỗ lực hơn nhiều. Vì vậy, TS Thảo luôn cảm thấy biết ơn gia đình, nhất là chồng chị. “Chồng thấy vất vả, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, thường nhắc nhở mình đi ngủ sớm nhưng nhiều hôm say mê quá nhìn đồng hồ thì đã 1 - 2 giờ sáng. Mình thấy may mắn khi được chồng, gia đình nội ngoại, bạn bè đồng nghiệp luôn ủng hộ. Chính điều này càng thôi thúc mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa”, TS Thảo nói.

Cũng theo TS Thảo đã làm khoa học thì dù là nữ hay nam cũng phải nỗ lực để có thể đạt được kết quả như mong muốn. Cá nhân chị nhận thấy, có rất nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tôn vinh nữ giới làm khoa học (như giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng L’Oreal - Unesco for women in science…). Đó là sự động viên, khích lệ và may mắn của phụ nữ làm khoa học.

Vì vậy, các bạn trẻ, nhất là phụ nữ mơ ước đi theo con đường nghiên cứu khoa học hãy mạnh dạn và luôn giữ nhiệt huyết đam mê. Có thể trên con đường đi có những khó khăn, thử thách nhưng thất bại là mẹ thành công. Mỗi lần đứng dậy từ thất bại bạn sẽ thấy niềm vui được nhân lên rất nhiều.

“Mình luôn cảm thấy được làm công việc yêu thích là một điều may mắn và tuyệt vời. Chính vì vậy, mình luôn cố gắng hết sức, dành thời gian và tâm huyết cho công việc đang theo đuổi”, TS Thảo tâm sự.

Tiến sĩ Trần Phương Thảo có 14 bài báo công bố trên tạp chí SCI. Chị là báo cáo viên tại 7 hội thảo quốc tế chuyên ngành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013...), đồng tác giả của 13 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế, đồng sở hữu ba bằng phát minh sáng chế (patent).

Chị còn đang chủ trì một đề tài cấp Nhà nước (Nafosted) và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của ba đề tài cấp Nhà nước khác.

Tiến sĩ Trần Phương Thảo là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019.

https://tuoitrethudo.com.vn/nu-tien-si-tre-luon-chay-het-minh-voi-dam-me-d2080167.html

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động