Nữ bác sĩ đồng hành 24/24h cùng F0
Cuộc gọi lúc 2 giờ sáng...
Tiếp nối những đoàn quân “chiến sĩ áo trắng” từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung xung phong lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ, trong tháng 8/2021, nhiều đoàn bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã vào chi viện cho các Bệnh viện Dã chiến TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thị Minh Khánh (Khoa Khám bệnh và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt TW) ở lại “hậu phương” lại tất bật tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” do Sở Y tế TP HCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam kích hoạt để tư vấn qua điện thoại cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Chị làm công tác quản lý 100 tình nguyện viên trong mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0 tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Tham gia mạng lưới, chị cùng các tình nguyện viên chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện chuyên môn cần thiết nhiều tháng qua, được tập huấn cơ bản về cách tư vấn chăm sóc sức khỏe bệnh nhân COVID-19, tự tin và phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ.
Hoạt động tư vấn của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã phát huy hiệu quả khi được kết nối qua tổng đài “1022, phím 4”. Các F0 sau khi gọi đến tổng đài để lại số điện thoại, các bác sĩ của mạng lưới sẽ chủ động liên hệ lại.
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0 tại TP HCM |
Chị Khánh cho biết: “Giai đoạn tháng 8/2021, người dân còn chưa biết nhiều đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành nên các cuộc điện thoại không nhiều. Sau đó khi mạng lưới hoạt động có hiệu quả, các cuộc điện thoại bắt đầu nhiều hơn.
F0 chưa liên hệ được y tế địa phương, còn hoang mang, lo lắng, nay an tâm điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ chủ động liên hệ lại để tư vấn hỗ trợ mua thuốc, cách đánh giá sáng lọc, đếm nhịp thở, tập thở... Nhiều trường hợp diễn biến nặng được phát hiện và chuyển tuyến kịp thời.
Tôi nhớ nhất có cuộc gọi lúc 2 giờ sáng từ một thanh niên trẻ trong tâm trạng vô cùng lo lắng khi biết mình “2 vạch”. Dưới 30 tuổi, không có bệnh nền nhưng khi thấy có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực liên tục, bệnh nhân này tưởng mình có dấu hiệu trở nặng. Trước tiên, tôi phải làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân để họ bình tĩnh trở lại; Sau đó đến công tác chuyên môn để bệnh nhân biết cách tự theo dõi sức khỏe cho mình và giải thích cho họ hiểu các dấu hiệu đó không phải là triệu chứng quá nguy hiểm”.
Khó có thể nói hết các áp lực những ngày đầu trong hành trình đồng hành cùng F0 của mạng lưới. Nhưng đến nay, hàng trăm nghìn bệnh nhân COVID-19 đã được hỗ trợ. Để viết nên con số đó, bác sĩ Khánh và 100 tình nguyện viên đã đi qua những ngày tháng không thể nào quên…
Chia sẻ về việc công khai số điện thoại cá nhân để hỗ trợ cho các bệnh nhân điều trị COVID-19 ở nhà và chủ động gọi cho các F0 để tư vấn, bác sĩ Khánh cho biết: "Việc điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương cũng rất bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi tư vấn thêm cho các bệnh nhân điều trị tại nhà qua điện thoại.
Dù có ít thời gian nhưng tôi cũng muốn góp thêm chút sức để cùng mọi người để đầy lùi dịch bệnh. Sau khi số bệnh nhân cần hỗ trợ tại TP HCM đã giảm, tôi lại tiếp tục hỗ trợ các bệnh nhân F0 ngoài Hà Nội. Nhờ vào tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao, các F0 điều trị tại nhà của Hà Nội đa phần đều có triệu chứng nhẹ hơn. Đấy cũng là niềm mong mỏi của tôi khi gọi điện hỗ trợ cho người bệnh”.
Say mê công tác nghiên cứu khoa học
Hơn 14 năm gắn bó với Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sĩ Khánh không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nghiên cứu các kiến thức, kỹ thuật mới trong chuyên ngành, thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trên tinh thần triển khai kỹ thuật mới và truyền đạt về y tế các tuyến, chị cùng đồng nghiệp đã triển khai, đào tạo thành công nhiều kỹ thuật mới, trong đó chị là kỹ thuật viên chính của kỹ thuật “Gây tê dưới kết mạc trong phẫu thuật cắt bè củng giác mạc điều trị Glocom” mang lại nhiều quyền lợi cho bệnh nhân.
Đồng thời, chị còn là tác giả của nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí Nhãn khoa, tạp chí Y học thực hành... Không dừng lại ở thành công ấy, bác sĩ còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, ấp ủ các đề tài nghiên cứu mới.
Năm 2019, bác sĩ Phạm Thị Minh Khánh cùng đồng nghiệp bác sĩ Trần Ngọc Khánh (khoa Khám bệnh theo yêu cầu) với đề tài “Phẫu thuật thể thủy tinh bằng laser Femtosecond” đã đạt giải Nhất tại Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế của Bệnh viện Mắt Trung ương.
Bác sĩ Phạm Thị Minh Khánh (áo dài trắng) nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm |
Công việc, học tập và đam mê nghiên cứu khoa học tưởng chừng đã dành trọn thời gian nhưng với cương vị Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Mắt Trung ương khi có các hoạt động thiện nguyện do Bệnh viện và Đoàn Thanh niên tổ chức, nữ bác sĩ trẻ luôn nhiệt tình tham gia như khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách; tham gia các đoàn khám chữa bệnh tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa...
Bác sĩ Phạm Thị Minh Khánh (áo dài trắng) tích cực tham gia các hoạt động của Hội thầy thuốc trẻ Hà Nội |
Với những nỗ lực ấy, bác sĩ Khánh đã nhận được Bằng khen Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ tặng năm 2021; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế “Vì đã có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác y tế năm 2018"; Bằng khen của trung ương Đoàn “Vì đã có công trình, đề tài, sản phẩm, sáng tạo tiêu biểu tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2017"; Bằng khen UBND TP Hà Nội “Vì đã có thành tích trong hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội giai đoạn 2017-2020"...
Năm 2020, Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hà Nội trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ 5 dành cho 10 Thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc tiêu biểu trong đó có bác sĩ Phạm Thị Minh Khánh. Nhiều năm liền, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở tại Bệnh viện Mắt Trung ương...
Có lẽ với chị, những bằng khen, danh hiệu là nguồn cổ vũ động viên trong công việc song niềm vui khi giúp các bệnh nhân khỏe mạnh trở lại mới là phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn nhất.