Niềm tự hào của những người thợ làng nghề truyền thống

Với niềm tự hào làng nghề truyền thống, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Bích Hòa (xã Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) đã nỗ lực mang các sản phẩm bún Kỳ Thủy và bánh cuốn Thanh Lương vươn xa.
Những nghệ nhân lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống Giới trẻ thích thú với trải nghiệm mới tại làng gốm Bát Tràng Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống

Dẻo thơm bún Kỳ Thủy

Theo anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã Bích Hòa, thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bún, bánh cuốn. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngay từ những ngày đầu năm, người làng nghề đã hối hả bắt tay vào sản xuất, cung cấp cho thị trường những mẻ bún thơm ngon. Ngày nay, để thuận tiện trong việc sản xuất với quy mô lớn, các hộ dân của làng nghề Thanh Lương đã đầu tư dây chuyền làm bún hiện đại. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng và chất lượng bún cũng ngon hơn, sợi bún cũng đều đẹp hơn.

Không một ai ở Kỳ Thủy biết chắc chắn được nghề bún đã xuất hiện ở làng từ bao giờ, họ chỉ biết, đã từ lâu lắm rồi, nghề làm bún đã được truyền từ đời các cụ đến đời ông bà, cha mẹ.

Niềm tự hào của những người thợ làng nghề truyền thống
Sản phẩm bánh cuốn Thanh Lương, bún Kỳ Thủy là niềm tự hào của thành viên Hợp tác xã Bích Hòa

Bún Kỳ Thủy có sợi nhỏ, tròn, trắng sáng (chứ không trắng đục như một số loại bún khác), sợi bún dẻo, mềm thơm ngon, không có mùi chua. Để làm được một mẻ bún ngon, phải trải qua nhiều công đoạn với quy trình khép kín. Hai yếu tố quan trọng nhất để có được bún ngon, đó chính là gạo ngon và nước sạch. Hai yếu tố này sẽ quyết định đến độ dẻo, ngon và trắng của sợi bún.

Gạo được chọn là loại gạo tẻ, mới thu hoạch, hạt trắng, đều, không lẫn tạp chất. Gạo ngâm trong nước sạch (không màu không mùi, không bị nhiễm kim loại nặng, đủ tiêu chuẩn nước dùng ăn uống) từ 4 đến 5 tiếng, sau đó được cho vào máy xay ra thành tinh bột. Sau công đoạn đó, người thợ rót ra khăn để lọc rồi ép khô, giã bột; Luộc quả bột rồi lại đổ vào cối giã.

“Người thợ phải giã đến bao giờ quả bột dẻo, quắn mịn vào nhau thì mới ra bột rồi mới đến các công đoạn khác. Hiện nay với sự hỗ trợ của máy móc giúp nâng cao năng suất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Đức cho biết.

Với tuổi đời hơn 24 năm, hiện Hợp tác xã nông nghiệp Bích Hòa có 1701 thành viên. Hai sản phẩm chủ lực của hợp tác xã là bún Kỳ Thủy và bánh cuốn Thanh Lương đạt OCOP 4 càng tạo thuận lợi để những sản phẩm này đến được với nhiều thực khách.

Sản phẩm bún Kỳ Thủy
Sản phẩm bún Kỳ Thủy

Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bích Hòa cho biết: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, làng nghề Bún Kỳ Thủy đã có những bước phát triển ổn định, đời sống người dân ngày một nâng cao, sản phẩm của làng nghề cũng ngày một vươn xa và được người tiêu dùng ưa chuộng, biết đến. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác xây dựng thương hiệu cho làng nghề cũng đang được quan tâm triển khai, để giúp các sản phẩm bún Kỳ Thủy, bánh cuốn Thanh Lương có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp duy trì và phát huy nghề truyền thống của địa phương”.

Nức tiếng miến làng So

Cũng với niềm tự hào làng nghề truyền thống, vợ chồng anh Vương Đình Dũng (xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) đã đưa miến làng So vươn xa.

Tiếp nối truyền thống cha ông để lại, gia đình anh Dũng một trong những hộ kinh doanh làm kinh tế giỏi trong vùng đã quyết tâm đưa sản phẩm miến làng So của mình ra thị trường.

Nhằm tăng thêm thu nhập nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo việc làm cho bà con trong làng, anh Dũng đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị hiện đại và từ đó sản phẩm miến dong cao cấp Dũng Thúy ra đời.

Sản phẩm miến dong thương hiệu Dũng Thúy
Sản phẩm miến dong thương hiệu Dũng Thúy

Để làm ra những sợi miến ngon, cơ sở miến dong cao cấp Dũng Thúy sử dụng bột của cây dong riềng (loại cây được trồng nhiều ở vùng đất bãi ven sông Đáy). Ngoài ra, miến ngon còn bởi sử dụng nguồn nước ngầm rất trong và sạch của địa phương, kết hợp với bí quyết riêng của làng nghề. Sau rất nhiều công đoạn, miến được phơi sấy dưới nắng và gió tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia… Bao bì sản phẩm được thiết kế đẹp, sang trọng và tiện lợi cho người sử dụng, Vì vậy sản phẩm miến của cơ sở được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến rất nhiều và yên tâm, tin tưởng sử dụng, đã ăn là nhớ, đã dùng là không quên.

Theo anh Dũng, miến là một món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, tết, cúng giỗ ở các vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, bát miến măng khô nấu cùng với lòng gà, mộc nhĩ, nấm hương và các gia vị khác. Có thể ăn chan với cơm tẻ, có thể ăn không, trong nem, người ta cũng cắt nhỏ miến để trộn vào. Ở đường phố miến cũng góp mặt trong các món phổ thông như: miến ngan, miến cua, miến lươn…

Sản phẩm miến của gia đình, đặc biệt miến dong cao cấp Dũng – Thúy đã có mặt khắp mọi miền Tổ quốc, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Năm 2021, sản phẩm miến dong cao cấp Dũng Thúy được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Điều này càng khẳng định chất lượng của sản phẩm và ngày càng được nhiều khách hàng khắp cả nước tin dùng.

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động