Những công việc độc đáo với mức thu nhập khủng
Bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng sức khỏe như thế nào? Gen Z biến “đam mê” thành nguồn thu nhập khủng Bị khởi tố tội trốn thuế vì kinh doanh thu nhập khủng qua mạng xã hội |
Nghề chơi với gấu trúc
Một công việc “chỉ chơi” mơ ước của nhiều Gen Z là đây. Với vai trò là nhân viên chơi đùa với gấu trúc, các cô cậu Gen Z sẽ chẳng lo có “sếp” hay bị đồng nghiệp “cà khịa”, tranh giành mà cũng chẳng có tăng ca, công tác nào cả. Nghe thì rất vui nhưng thật ra bạn sẽ phải làm “bảo mẫu” cho những bé bự “Quốc bảo Trung Hoa” này. Kích thước to lớn nhưng luôn tưởng mình là em bé, những chú gấu này sẽ thường xuyên đu bám, ôm chân hay đòi được “bế” đi chơi.
Có rất nhiều pha "tự báo" không lường trước của những "công chúa, hoàng tử" làm nhân viên hốt hoảng |
Những “tên báo con” này dù có lớn tuổi đến mấy cũng sẽ rất nghịch ngợm, hay leo trèo lên những chỗ cao mà quên mất cân nặng của mình dẫn đến những pha ngã “chổng vó”. Không chỉ phải đi “đỡ” những pha “báo” của chúng, nhân viên còn phải chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các “hoàng tử, công chúa” thật chu toàn với đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe.
Nhiều nhân viên chăm sóc gấu trúc lâu năm đã nảy sinh tình cảm gắn kết với những bé bự này nên đã dành toàn bộ thời gian cho chúng, đôi khi hy sinh cả thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Mức lương mà nhân viên chăm sóc gấu trúc nhận được mỗi năm cũng rất xứng đáng, từ 30.000USD/năm đến 41.000 USD/năm với đầy đủ phúc lợi, xe ô tô riêng và miễn phí ăn ở.
Người ngửi mùi khăn giấy
Một công việc không đơn giản là ngửi mùi mà đòi hỏi một khả năng phát hiện và phân biệt mùi vô cùng tinh tế từ người đảm nhận. Ngửi mùi khăn giấy là việc thường được thuê bởi các công ty sản xuất giấy ăn, với mục tiêu loại bỏ mùi không mong muốn khỏi sản phẩm cuối cùng. Với mức thu nhập khoảng 52.000 USD/năm, đây là một ngành nghề không chỉ độc đáo mà còn thu hút những người có khứu giác tốt.
Khứu giác và sự nhạy cảm với các chất khác nhau là điều tiên quyết để nhận công việc này |
Thường khăn giấy sẽ được sử dụng trực tiếp lên bề mặt da người ở nhiều vị trí trên cơ thể. Việc phát hiện mùi lạ, đặc biệt quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân bị dị ứng thể nặng hoặc người mẫn cảm với bụi giấy, chất gây kích ứng. Đối với mức lương kể trên, quả thật đây là công việc khá an nhàn nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
Dọn dẹp hiện trường vụ án
Trách nhiệm của một nhân viên dọn dẹp hiện trường vụ án không chỉ đơn thuần là làm sạch, mà còn là một phần quan trọng trong việc đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong quá trình điều tra tội phạm. Nhân viên phải thu thập và bảo quản các bằng chứng và vật liệu liên quan đến vụ án, đồng thời làm sạch hiện trường bằng cách di dời các vật phẩm và loại bỏ vật liệu không cần thiết. Họ cũng phải ghi chép mọi thông tin quan trọng và hỗ trợ điều tra viên trong quá trình làm việc.
Đội dọn dẹp hiện trường thuộc bang Alabama (Hoa Kỳ) "lên đồ" chuẩn bị thi hành nhiệm vụ |
Điều đáng ngại nhất là việc đối mặt với hiện trường xảy ra tử vong. Xử lý các thi thể ở nhiều tình trạng đồng thời dọn dẹp sạch sẽ những tàn dư mà nó để lại không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi am hiểu chuyên môn và linh hoạt trong xử lý tình huống ở nhiều trạng thái môi trường, nhiệt độ khác nhau. Ám ảnh và đôi lúc là “máu me”, việc trả lương cho công việc này cũng ở mức “khủng”.
Nhân viên dọn dẹp hiện trường vụ án sẽ nhận được thù lao lên tới 800.000 USD/năm, có lẽ phần nhiều là đền bù “tổn thất” tinh thần mà những người lao động mẫn cán này phải đón nhận sau mỗi nhiệm vụ.
Đầu bếp trên tàu ngầm
Đây không phải là một công việc đơn giản, khi đòi hỏi kỹ năng nấu ăn tốt và khả năng làm việc trong môi trường hạn chế của tàu ngầm. “Con quái vật” khó chinh phục nhất chính là áp suất và cảm giác bị “đóng hộp” đầy bí bách và ngột ngạt. Đồng thời, công việc này còn yêu cầu sự tỉ mỉ, chi tiết trong từng khâu tuyển chọn và chế biến thực phẩm, không để xảy ra sai sót. Nếu các thành viên trong tàu bị tình trạng ngộ độc hoặc dị ứng thực phẩm, nhiệm vụ hiện hành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây gián đoạn hải trình đã đặt ra.
Không giống các đầu bếp trên cạn, những vị bếp trưởng tàu ngầm cần một sức khỏe và tính kỷ luật nghiêm túc, đảm bảo các quy trình trong bếp được an toàn, vệ sinh |
Việc hoạt động dưới môi trường áp suất cao dễ khiến những đầu bếp chịu ít nhiều thương tổn về thính giác và huyết áp, sự cân bằng cơ thể. Những di chứng sau nghỉ hưu của các đầu bếp tàu ngầm thường là mất một hoặc hoàn toàn thính giác, cần chống gậy khi di chuyển và dễ bị chứng rối loạn huyết áp, đau đầu. Bởi vậy, mức thu nhập lên đến 200.000 USD/năm cho thấy giá trị và sự cần thiết của những chuyên gia nấu ăn cho các hạm đội tàu ngầm quan trọng đến mức nào trên thế giới.
Người ôm ấp, xin lỗi hộ và cả ăn cưới hộ
Có những dịch vụ vượt ra ngoài tưởng tượng của nhiều người, và dịch vụ ôm ấp tại Nhật Bản có lẽ là một trong số đó. Với mức thu nhập lên đến 60 USD/giờ hoặc 500 USD/đêm, công việc này không chỉ là một nguồn thu nhập mà còn là một cách để cung cấp sự thoải mái và an ủi cho khách hàng.
Xin lỗi là cả một "nghệ thuật" |
Nước Nhật cũng là nơi khai sinh ra nghề xin lỗi hộ. Nhật Bản là nơi lễ nghĩa rất được đề cao, đó cũng là một gánh nặng với mọi người. Trong nhiều trường hợp, người Nhật cảm thấy quá áp lực, xấu hổ và không thể cúi đầu xin lỗi một ai đó được. Có cầu thì sẽ có cung, một công ty tại Nhật là Shazaiya Aiga Pro đã cung cấp một dịch vụ xin lỗi hộ với mức chi phí khá cao khoảng 5 triệu đồng (nếu gặp mặt xin lỗi); 2 triệu đồng (nếu gửi email hoặc gọi điện xin lỗi).
Ngoài ra, công ty này còn cung cấp thêm dịch vụ vừa xin lỗi vừa khóc, khóc sướt mướt, ầm ĩ hay cả kêu gào thống thiết cũng đều được đáp ứng với nhiều mực giá khác nhau, nhưng đương nhiên là không thể rẻ được rồi.
Nhiều người Nhật khá khép kín và ít bạn bè, tuy nhiên họ không muốn "mất mặt" trong ngày cưới vắng vẻ, nên việc thuê khách "ăn cưới hộ" ra đời |
Việc thuê "khách mời" cho tiệc cưới có vẻ như một trò hề, nhưng thực tế, đó không phải là một khái niệm xa lạ với người dân Nhật Bản. Các "khách mời thuê" này không chỉ đến tham dự tiệc cưới của bạn để đủ số lượng khách mời. Họ còn có thể tham gia vào các hoạt động như đọc diễn văn, giúp đón tiếp khách và giả vờ là bạn bè hoặc đồng nghiệp của cô dâu/chú rể.
Với mức giá thuê khoảng 5.000 Yên (tương đương khoảng 910.000 VND) cho mỗi buổi tiệc cưới, các công ty cho thuê "khách mời" như vậy đang phát triển và mở rộng trên toàn quốc Nhật Bản, biến nghề này trở thành một công việc hấp dẫn và tiềm năng