Nhiều chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024

Bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS, các trường tự chọn sách giáo khoa, không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ… là những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024.
Thắp sáng ngọn lửa giáo dục của Thủ đô Năm 2024 có thể sẽ tăng tiếp giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?

Chính thức bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS

Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT quy định, từ năm học 2024 - 2025, học sinh hoàn thành chương trình THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không phân loại giỏi, khá, trung bình như trước. Đồng thời sẽ có 2 lần xét tốt nghiệp THCS trong 1 năm.

Cụ thể, theo như quy chế hiện hành (Quyết định 11/2006/QĐ-BGD-ĐT), kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp thành 3 loại: Giỏi, Khá, Trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực.

Nhiều chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024
Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT quy định, từ năm học 2024 - 2025, học sinh hoàn thành chương trình THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không phân loại giỏi, khá, trung bình như trước.

Tuy nhiên, theo công bố của Bộ, Thông tư 31/2023 về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS thì học sinh được cấp bằng tốt nghiệp ở bậc học này khi hoàn thành chương trình học tập và rèn luyện lớp 9, bỏ đi điều kiện “không nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần hay nhiều lần cộng lại)”. Đặc biệt, bằng tốt nghiệp sẽ được cấp bằng mà không ghi kết quả xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định trước đó (năm 2006).

Cùng với đó, đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.

Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 1 lần ngay sau khi kết thúc năm học.

Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được nhà trường tổ chức cho học lại, rèn luyện trong kỳ nghỉ hè; được kiểm tra, đánh giá lại các môn học, hoạt động giáo dục trong kỳ nghỉ hè theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện: Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS. Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ GD&ĐT. Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS. Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Học sinh được công nhận tốt nghiệp thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.

Các cơ sở giáo dục tự lựa chọn sách giáo khoa

Từ ngày 12/2/2024, Bộ GD&ĐT chính thức trao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT.

Điểm mới và nổi bật của Thông tư này là trao quyền hạn chọn sách giáo khoa về cho các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, tại Điều 4 của Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT (người đứng đầu) thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Nhiều chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024
Sách giáo khoa, Sách bài tập và Để học tốt toán 6 theo Chương trình mới (Bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống) của NXBGD Việt Nam phục vụ cho mọi đối tượng học sinh với các kiến thức cơ bản cốt lõi.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.

Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.

Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc:

- Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

- Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, cũng có một số điểm cần phải đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất, sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại; sách giáo khoa được lựa chọn trong giáo dục phải là sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất.

Không đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mới được quy định tại Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 12/2/2024.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Đây là điểm mới đáng chú ý trong Thông tư số 28/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.

Theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 28, cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.

Nhiều chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024
Một trong những yêu cầu để thực hiện đào tạo từ xa đó là: Các cơ sở phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa.

Thông tư cũng đã nêu rõ những yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa và thời gian học tập như sau:

- Hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bảo đảm khách quan, trung thực; đánh giá được quá trình học tập, đánh giá kết thúc học phần, môn học; kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học.

- Đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.

- Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.

- Các cơ sở phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa.

- Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo hiện đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức Mạng máy tính và viễn thông.

- Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó, tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy. Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.

- Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Các cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa theo định kỳ hằng năm.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động