Năm 2024 có thể sẽ tăng tiếp giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục

Các bộ ngành liên quan đề xuất điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục trong năm 2024.
Ngày càng nhiều tập đoàn muốn mua điện tái tạo không qua EVN Chính phủ đề xuất rót hơn 2.500 tỷ đồng cho EVN kéo điện ra Côn Đảo

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, năm 2024 cần đặc biệt chú ý điều hành giá lương thực, thóc gạo trong nước do ảnh hưởng bởi xuất khẩu, dự báo sẽ neo ở mức cao.

Đồng thời, việc tăng lương ảnh hưởng tâm lý tăng giá; giá nguyên liệu trên thị trường dự báo tăng ảnh hưởng tới trong nước.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công thương cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Năm 2024 có thể sẽ tăng tiếp giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.

Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, năm 2024 dự kiến sẽ đưa chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh. Trong khi chi phí khấu hao sẽ tính đủ từ năm 2025 trở đi.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, trong khi nhiều bệnh viện đã tự chủ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh viện. Việc tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá khám chữa bệnh cần được các cơ quan quản lý đánh giá kỹ tác động.

Tương tự, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, trong 3 năm qua, dịch vụ giáo dục không tăng, đặc biệt giáo dục đại học không tăng giá gây hệ lụy lớn, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.

"Việc kéo dài thời gian không tăng giá học phí sẽ gây khó cho các trường cũng như ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu.

"Việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách; thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần linh hoạt trong quản lý, điều hành để đảo đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, không được để đứt gẫy nguồn cung; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến bất thường trong cung ứng hàng hóa.

Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật giá (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, điều hành giá.

Hậu Lộc
Phiên bản di động