Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?

Đây là nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề dễ trở thành "giấy phép con" làm khổ giáo viên và vẽ thêm vùng tiêu cực của nền giáo dục.
Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 25 công ty Bảo đảm quyền của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên

Vừa qua, tại TP. HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Luật Nhà giáo quy định áp dụng cho giáo viên giảng dạy từ mầm non đến đại học.

Theo đó, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là phù hợp với xu hướng phát triển chung và kế thừa được kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo.

Do đó việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là cần thiết. Đặc biệt, luật này nhằm tạo môi trường để phát triển nhà giáo cả về số lượng và chất lượng chứ không phải để ràng buộc.

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?
TS. Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT

Một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Theo đó, nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc, cùng với đó giấy chứng nhận sẽ là căn cứ để giáo viên được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc chuyển trường.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Cho biết thêm, ông Đức nói, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một "giấy phép con". Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, thay vì sử dụng đồng thời quy định chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên, giảng viên như hiện hành, quy định mới chỉ sử dụng thống nhất quy định về tiêu chuẩn nhà giáo và gọi chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với nhiều tiêu chí.

Người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: người đã hoàn thành chế độ tập sự, người hiện đang là nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài.

Giấy chứng nhận bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.

Dự kiến, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực là từ 1/1/2027.

Cấp chứng nhận là việc làm không thực sự cần thiết

Đề xuất của Bộ GD&ĐT liên quan đến giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên ngay lập tức đã tạo ra những tranh luận trái chiều.

Dưới góc độ người trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thanh Nga, giáo viên Ngữ văn, Khối trưởng khối Khoa học xã hội trường Phổ thông Đa Trí Tuệ - MIS cho biết, từ trước tới nay, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc mà con người theo đuổi đều mong có được sự ghi nhận nhất định từ nhiều phía, nhất là sự ghi nhận của xã hội hoặc ban ngành mà chúng ta đang theo đuổi. Giấy chứng nhận chính là một trong những cách ghi nhận năng lực, thành tích hoặc sự nỗ lực của mỗi người.

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?
Cô Nguyễn Thanh Nga, giáo viên Ngữ văn, Khối trưởng khối Khoa học xã hội trường Phổ thông Đa Trí Tuệ - MIS

Đặc biệt, thời gian gần đây, việc đề xuất giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo của Bộ GD&ĐT đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thiết nghĩ, đây có lẽ cũng là một sáng kiến của Bộ ghi nhận những thầy giáo, cô giáo đạt chuẩn và đáp ứng được yêu cầu để hoạt động nghề giáo. Bởi vì, giữa một môi trường giáo dục đang tiếp nhận nhiều sự chuyển mình để ngày một phát triển, đâu đó, chúng ta vẫn gặp những con người tự nhận mình là giáo viên nhưng lại thực sự chưa đủ tiêu chuẩn để làm thầy...

Chính vì vậy, việc Bộ GD&ĐT đưa ra một loại văn bản chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ là một cơ sở để đánh giá và nhìn nhận đúng năng lực của người giáo viên đích thực.

Tuy nhiên, đề xuất này chắc chắn gây ra nhiều tranh cãi bởi nếu chỉ dựa vào giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo mới được coi là người thầy... có là khắt khe, cứng nhắc quá không khi có những người thực sự là thầy mà không đòi hỏi bất cứ 1 loại văn bản hay chứng nhận nào?

"Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ là 1 bài toán nan giải nếu chỉ dùng giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Bởi xưa nay "tôn sư trọng đạo" vẫn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và nghề làm thầy vẫn luôn được coi là nghề cao quý trong những nghề cao quý, những văn bản giấy tờ liệu có nói hết được tính chất rất đặc biệt của nghề làm thầy hay không? Đó sẽ còn là những trăn trở, nhức nhối của nhiều thầy cô giáo có tâm, có tầm và có tài trong xã hội ngày nay", cô Nga cho hay.

Trước đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Tiêu Thị Hương Giang, người đã có 27 năm gắn bó và theo đuổi nghề nhà giáo cũng bày tỏ sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà quản lí giáo dục, đồng thời mong muốn có những quy định, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?
Cô Tiêu Thị Hương Giang cho rằng việc đưa ra đề xuất về giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên là điều không hợp lý

Song, sau khi lắng nghe thông báo về việc đề xuất cấp giấy chứng nhận cho giáo viên trong bản tin thời sự buổi sáng, bản thân cô thấy việc đưa ra đề xuất về giấy chứng nhận nghề nghiệp là không hợp lí, bởi vì:

Thứ nhất, bằng tốt nghiệp sư phạm do các trường đào tạo cấp cho giáo viên đã là một giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Thứ hai, giấy chứng nhận nghề nghiệp đó không làm cho giáo viên tốt lên về chuyên môn nghiệp vụ, không làm cho đời sống giáo viên bớt khó khăn mà ngược lại.

Thứ ba, bên cạnh bằng tốt nghiệp sư phạm, giáo viên cũng đã phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Ngay những chứng chỉ đó cũng chẳng có tác dụng gì đối với các cơ quan quản lí giáo dục và với bản thân giáo viên.

Thứ tư, lí do mà một số người đưa ra là có chứng chỉ nghề nghiệp để bắt kịp sự phát triển của giáo dục thế giới là sự bắt chước khập khiễng, không phù hợp với đặc điểm tình hình chung của nền giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, việc cấp thêm chứng nhận nghề nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng thêm bộ máy làm công tác này, vì đội ngũ giáo viên trong cả nước hiện nay rất đông khi đang xu thế tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Trong khi việc xem xét để cấp, thu hồi, tạm đình chỉ chứng nhận nghề nghiệp không đơn giản, chưa kể còn phải giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh... liên quan đến việc này chắc chắn cũng sẽ phát sinh nhiều.

"Thay vào đó, chúng ta cần tổ chức việc xét tuyển, tuyển dụng nghiêm túc, chặt chẽ để chọn ra đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, đạo đức, đảm bảo chất lượng thay vì phải "sinh nở" thêm chứng nhận nghề nghiệp gây tốn kém và không thực sự cần thiết", cô Hương Giang gợi ý.

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - cần thiết hay không?
Nhiều giáo viên cũng thẳng thắn không đồng tình với việc cấp thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên

Cùng quan điểm với cô Hương Giang, nhiều giáo viên cũng thẳng thắn bỏ phiếu không đồng ý với việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên.

Đa phần thầy cô cho rằng, trước khi ra trường đi dạy, giáo viên đã được đào tạo đạt và vượt chuẩn nên việc cấp thêm giấy chứng nhận là điều không cần thiết. Hơn nữa, việc thêm giấy chứng nhận rất dễ gây khó khăn cho nhà giáo vì có nguy cơ xuất hiện tiêu cực, tạo thêm áp lực, gánh nặng cho giáo viên.

Nhiều câu hỏi của thầy cô cũng được đặt ra xoay quanh chủ đề này, ví dụ: giấy này gọi là chứng chỉ hành nghề mà chỉ cấp cho giáo viên trường công, tư thì giáo viên dạy ngoài các đơn vị trường, dạy tự do sẽ như thế nào? Giấy chứng nhận do ai cấp? Cấp thì có phải thi không? Thi trượt thì có đạt yêu cầu không, có đứng lớp được nữa không? Những đối tượng nào cần thi và đối tượng nào được miễn...

“Liệu có cách nào để giáo viên được cấp giấy phép? Liệu có đơn vị nào sẵn sàng đứng ra cấp giấy phép cho đối tượng giáo viên tự do tự mở lớp không qua trường hay trung tâm? Liệu giá trị của giấy này có hiệu lực nếu giáo viên tự do không bằng cấp cũng không giấy hành nghề tự mở lớp dạy tự do? Ai hay đơn vị nào sẽ kiểm tra và kiểm soát việc nhiều người không bằng cấp sư phạm vẫn tự mở lớp ầm ầm”. Đây là những câu hỏi được trích từ nhiều ý kiến của giáo viên qua trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động