Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Agribank, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho tổ chức tín dụng mà để đảm bảo là quyền lợi chung, mang tính xã hội...
Giảm tỷ lệ sở hữu khó ngăn tái diễn vi phạm như vụ Ngân hàng SCB Không nên cho phép ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khi nào?

Nên giữ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm

Ở phiên thảo luận tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm.

Đại biểu Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank (đoàn Hà Nội) cho biết, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ Nghị quyết 42/2017/QH14 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Do đó, việc duy trì cơ chế chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết.

Mặt khác, báo cáo của Ủy ban Kinh tế ngày 20/5/2022 cũng nêu, cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể với nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực.

Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank (đoàn Hà Nội).

Báo cáo cũng đã đưa ra số liệu thống kê là trong giai đoạn Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, khả năng thu hồi nợ xấu tăng lên và ngoài ra tỷ trọng xử lý nợ xấu qua hình thức mà khách hàng tự trả nợ, tự nguyện trả nợ tăng từ 23% lên đến 38%.

Như vậy, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, các giải pháp của Nghị quyết 42/2017/QH14 trong đó có việc giao cho tổ chức tín dụng có sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu giữ tài sản để xử lý là biện pháp mạnh mẽ và cần thiết.

Theo Chủ tịch Agribank, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho tổ chức tín dụng mà để đảm bảo là quyền lợi chung, mang tính xã hội. Tính xã hội thể hiện ở chỗ khi thu đòi được nợ xấu là có tiền để cho vay những khách hàng khác có nhu cầu.

Ngoài ra, nếu thu hồi được nợ xấu thì có nghĩa rằng là lợi nhuận của tổ chức tín dụng được tăng lên khi đó sẽ có thể có cơ sở để tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các tổ chức khác, đơn vị khác.

Cùng với đó, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 chưa có một trường hợp nào phản ánh tổ chức tín dụng lạm dụng quy định này và gây ra tác động về mặt xã hội. Do đó, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị dự thảo luật nên giữ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm.

Các ngân hàng xử lý nợ xấu thuận lợi hơn

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật trong việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự.

Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Hà cho rằng, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng và việc này được thể hiện ở những văn bản thỏa thuận giữa 2 bên. Việc kê biên tài sản bảo đảm cũng không trái với quy định pháp luật do những tài sản đó đã được khách hàng thực hiện thế chấp tại ngân hàng theo những quy trình, thủ tục của pháp luật trước khi thực hiện nghĩa vụ.

"Việc triển khai những nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã giúp cho ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, hạn chế tốt việc khách hàng chây ỳ trả nợ, giúp công tác xử lý nợ xấu được hiệu quả và giảm thực chất", đại biểu Hà nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chỉ rõ so với dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 6, dự thảo luật tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã bỏ đi quy định về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn thư khiếu kiện các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý, bảo vệ tài sản khi thu giữ.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như việc thực hiện thượng tôn pháp luật của các chủ thể, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp với quy định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động