Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào các ngân hàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang đi trên dây, vừa phải điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệp...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cần tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo "nóng" liên tiếp về đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng

Ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu".

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp Hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đi trên dây, vừa phải điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệpm tất cả dồn vào ngành ngân hàng.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng nêu vấn đề.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù Thông tư 02/2023 đã được ban hành nhưng các tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Các ngân hàng tự quyết định, tự điều chỉnh, tự cơ cấu nợ,…Nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

“Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất phù hợp với tình hình thực trạng của nền kinh tế. Nếu không có tình hình thực trạng nền kinh tế Việt Nam như vậy thì không có chuyện giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh Fed tăng lãi suất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào các ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùn - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Nhận định về những áp lực từ thị trường tài chính tới các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, thị trường tài chính nói chung và giới kinh doanh đang đối mặt với nhiều áp lực.

Trong đó, áp lực trả nợ vay và lãi vay do sản xuất kinh doanh khó khăn; Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao; nhu cầu vốn lớn cho chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như EU, Mỹ…

Theo ông Trương Văn Cẩm, áp lực tài chính năm nay lớn hơn nhiều so với năm 2022. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào, giá tốt. Mặc dù từ cuối quý II/2022 các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng nhìn tổng thể cả năm chưa phải là một bức tranh ảm đạm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, áp lực tài chính xuất hiện từ cuối năm 2022 tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn dự trữ hoặc đã phải sa thải nhân công, giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng để duy trì lực lượng lao động.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối; giải ngân FDI ổn định; tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi lãi suất đồng VND cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền VND… Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, do đó, áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ vơi đi.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng; giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ; Đồng thời hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống COVID-19.

Còn bà Hà Thị Kim Nga - chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gợi ý, các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. Ngân hàng Nhà nước nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản. Theo bà Nga, tỷ giá đã dịu đi, chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng và lạm phát có thể đã tiệm cận đến điểm bước ngoặt.

Hậu Lộc
Phiên bản di động