Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cần tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng...
Ngân hàng Nhà nước ra chỉ đạo "nóng" liên tiếp về đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Bộ Tài chính xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng

Ngày 9/5, tại phiên họp lần thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Cụ thể, 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cần tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định.

Nhiều giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ.

Ngoài ra, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động