Hai công ty “họ” FECON chậm đóng bảo hiểm tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng FECON chậm đóng 6 tháng bảo hiểm, với số tiền nợ 971 triệu đồng. Trong khi một doanh nghiệp khác cùng “họ” cũng chậm đóng 660 triệu đồng.
Kinh doanh đi lùi, FECON thay Tổng Giám đốc FECON bị phạt và truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa công bố danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động điển hình chậm đóng lớn từ 6 đến 24 tháng tính đến hết tháng 6/2024.

Theo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, những đơn vị có tên trong danh sách chậm đóng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Chiếu theo danh sách, Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long (phường Quảng An, quận Tây Hồ) chậm đóng 6 tháng tiền bảo hiểm với số tiền 2,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ERESSON Việt Nam (số 9 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) chậm đóng 19 tháng với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Cùng đó, Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (Đống Đa, Hà Nội) chậm đóng 6 tháng với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng FECON (tòa nhà CEO, Lô HH2-1, đường Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chậm đóng 6 tháng bảo hiểm, với số tiền nợ 971 triệu đồng.

Hai công ty “họ” FECON chậm đóng bảo hiểm tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng
Một phần danh sách các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm tại Hà Nội.

Đáng chú ý, một doanh nghiệp khác cùng “họ” FECON cũng chậm đóng 2 tháng bảo hiểm với số tiền 660 triệu đồng là Công ty Cổ phần Cọc và Xây dựng FECON (tầng 17 tháp CEO, Lô HH2-1, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng FECON và Công ty Cổ phần Cọc và Xây dựng FECON đều là công ty con của Công ty Cổ phần FECON (mã CK: FCN), với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 95,56% và 93,50%.

Được biết, trong bối cảnh các công ty con chậm đóng bảo hiểm thì công ty mẹ cũng kinh doanh không mấy khả quan trong thời gian qua.

Cụ thể, quý I/2024, Công ty Cổ phần FECON ghi nhận doanh thu hợp nhất 611 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm hơn 514,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Do đó, lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần FECON chỉ ở mức 96,8 tỷ đồng, giảm 21,3 %. Trong khi đó, trong kỳ này, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp đều tăng lần lượt là 588,26 triệu đồng và 3,56 tỷ đồng tương ứng mức tăng 12,72% và 7,7% so với cùng kỳ.

Hai công ty “họ” FECON chậm đóng bảo hiểm tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng
Ảnh minh họa.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 635 tỷ đồng, giảm tới 77,4 so với quý I/2023.

Năm nay, Công ty Cổ phần FECON đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 42 tỷ đồng. Như vậy, công ty còn cách rất xa mục tiêu năm đặt ra.

Nói về nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh, bên cạnh yếu tố chi phí tăng cao, lãnh đạo Công ty Cổ phần FECON cho biết còn do tình hình cạnh tranh của thị trường. Trên cơ sở đó, công ty đã ưu tiên lựa chọn các dự án có nguồn dòng tiền đảm bảo, giá thấp hơn và điều này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Công ty Cổ phần FECON đạt 8.472 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho ở mức 1.678 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty sụt giảm mạnh 44,5%, còn 390 tỷ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 3/2024, nợ phải trả của Công ty Cổ phần FECON là 5.108 tỷ đồng (gấp hơn 1,5 lần vốn chủ sở hữu), chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.916 tỷ đồng).

Mặt khác, đến cuối tháng 3 năm nay, dòng tiền thuần của Công ty Cổ phần FECON âm tới hơn 312 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ âm 13 tỷ đồng.

Năm 2023 là đánh dấu một năm đầy thất vọng đối với Công ty Cổ phần FECON khi ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên (lỗ khoảng 42 tỷ đồng) kể từ khi niêm yết.

Mặc dù kinh doanh đi lùi, thậm chí là thua lỗ nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty Cổ phần FECON đã trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng giá trị các hợp đồng đang triển khai trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng.

Các gói thầu mới tiêu biểu của Công ty Cổ phần FECON bao gồm: Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với HATECO (781 tỷ đồng); Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình của Tập đoàn Thái Bình Dương (200 tỷ đồng); Thi công hạ tầng thuộc dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại tại Bình Dương (180 tỷ đồng); Thi công cầu cảng Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm Sản và Phân Bón Bà Rịa (100 tỷ đồng)…

Với việc kinh doanh kém khả quan, dòng tiền kinh doanh âm, giới đầu tư đang đặt ra vấn đề về sự hiệu quả tại các dự án mà FECON trúng thầu và đang triển khai.

Hậu Lộc
Phiên bản di động