Ngân hàng cảnh báo giả mạo hỗ trợ xác thực sinh trắc học

Nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh cán bộ ngân hàng, cơ quan quản lý để liên hệ với người dân “hỗ trợ cài đặt dịch vụ xác thực sinh trắc học” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Xác thực sinh trắc học có an toàn tuyệt đối không? Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ tài khoản khách hàng Chuyển tiền xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng nhiều đến khách hàng

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch như chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử… trên 10 triệu đồng/lần; hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày, người dân phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.

Ngoài ra, trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng điện tử (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, người dân cũng phải được nhận dạng xác thực sinh trắc học.

Để thực hiện giao dịch tuân thủ theo Quyết định 2345, người dân, khách hàng cần bổ sung và cập nhật thông tin sinh trắc học với các ngân hàng bằng 2 phương thức: Qua ứng dụng ngân hàng điện tử (mobile banking app) hoặc trực tiếp tới chi nhánh/phòng giao dịch.

Ngân hàng cảnh báo giả mạo hỗ trợ xác thực sinh trắc học
Ảnh minh họa.

Lợi dụng bối cảnh người dân tiến hành bổ sung/cập nhật thông tin sinh trắc học, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ quản lý cơ quan Nhà nước, liên hệ người dân “hỗ trợ” nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin.

Theo đó, các đối tượng liên hệ người dân bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) để “giả hướng dẫn” thu thập thông tin sinh trắc học.

Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân (CCCD), hình ảnh khuôn mặt, hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ, dáng điệu…

Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng lạ trên điện thoại. Những ứng dụng/phần mềm chứa mã độc này có giao diện, hình ảnh gần tương tự với ứng dụng chính thống của Bộ Công an, Cơ quan quản lý Nhà nước hay các tổ chức tín dụng.

Khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của người dân vào các mục đích xấu khác như vay tiền, ghi nợ, cá độ…

Trước diễn biến phức tạp và hành động tinh vi của các đối tượng lừa đả, một số ngân hàng khuyến cáo người dân chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức của các ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch.

Đồng thời, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD, dữ liệu sinh trắc học… cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook…).

Người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm. Khách hàng cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, đó là tài sản bảo mật hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết.

Hậu Lộc
Phiên bản di động