Bộ Công thương: Không “quay xe” chính sách điện mặt trời mái nhà
“Ông lớn” điện mặt trời muốn làm dự án điện gió ở Trà Vinh Kiến nghị gỡ khó cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra |
Ngày 14/7, Bộ Công thương đã phát đi thông tin khẳng định cơ quan này bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Sau khi giữ quan điểm giá 0 đồng ở nhiều dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương đã điều chỉnh lại cách hiểu là "không mua bán dưới mọi hình thức" sau khi dư luận có nhiều tranh cãi.
Ở dự thảo mới nhất, Bộ Công thương đề xuất các phương án giá để mua điện dư từ loại hình này. Liên quan đến việc này, dư luận cho rằng Bộ Công thương "quay xe" sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Bộ Công thương khẳng định đã bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi xây dựng nghị định về điện mặt trời mái nhà, không có chuyện "quay xe" chính sách như dư luận nêu.
Trong báo cáo số 177/BC-BCT gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây, Bộ Công Thương cho biết: Đối với nhiệm vụ xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương đã tuân thủ đầy đủ, đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Bộ Công thương cũng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 278/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ngày 1/7/2024, Bộ Công thương đã có báo cáo số 163/BC- BCT để báo cáo và giải trình ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Trong báo cáo số 163/BC- BCT Bộ Công thương đã thể hiện quan điểm chưa xem xét giá mua bán điện dư trong thời điểm hiện nay vì mục tiêu điện mặt trời mái nhà để nhằm mục đích tự sản, tự tiêu cho chính tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển.
Bộ Công thương khẳng định cơ quan này bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. |
Sau khi nhận được công văn số 4844/VPCP-CN ngày 10/7/2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương đã mời các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họp để đưa ra các giải pháp.
Ngay sau cuộc họp này, Bộ Công thương đã có báo cáo giải trình làm rõ ý kiến gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ trước hết, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Bộ Công thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Cùng với đó, trên cơ sở ý kiến của EVN, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng cơ chế về xác định điện dư không dùng hết được bán lên lưới điện quốc gia theo 3 phương án.
Phương án 1: Điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ bị khống chế công suất phát điện dư lên lưới điện quốc gia không quá 10% công suất lắp đặt, việc này có thể thực hiện bằng giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị điều khiển công suất phát (Limit export).
Phương án 2: Điện mặt trời tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.
Phương án 3: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.
Về căn cứ của việc đề xuất nêu trên, theo Bộ Công thương, thực hiện phương án 1 sẽ bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm thiết bị Limit export sẽ làm tăng chi phí đầu tư của người sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, điều này sẽ làm hạn chế khuyến khích đầu tư, đồng thời phát sinh thêm việc nghiệm thu, theo dõi, giám sát cài đặt, vận hành thiết bị này theo đúng quy định.
Đối với việc áp dụng phương án 2, Bộ Công thương cho rằng đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư của người sử dụng hơn phương án 1. Trong khi đó, phương án 3 cũng được nhìn nhận là đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư của người sử dụng. Tuy nhiên, phương án 3 có sản lượng điện dư được thanh toán nhiều hơn phương án 2.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, để bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ Công thương đề xuất thực hiện theo phương án 2.
Đối với việc xác định giá mua bán điện dư, Bộ Công thương cũng đề xuất 3 phương án thực hiện.
Phương án 1: Áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh được hàng năm do Bộ Công thương ban hành. Theo Bộ Công thương phương án này đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với hiện trạng của hệ thống đo đếm hiện nay mà không cần tốn thêm chi phí nâng cấp đảm bảo thanh toán theo thị trường điện, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ; đúng với bản chất của việc bán điện dư, không cam kết công suất do vậy không khuyến khích trả chi phí công suất tránh được trong trường hợp này.
Đối với phương án 2: Lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN) và trừ đi chi phí phân phối trên 1kWh. Lý do phải loại trừ chi phí phân phối vì EVN đã đầu tư lưới phân phối để cấp điện cho khách hàng. Do vậy, EVN phải thu hồi để bù lại một phần chi phí phân phối không thu hồi được trong quá trình khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mà không mua điện của EVN.
Bộ Công thương cho rằng phương án này đảm bảo tính thị trường hơn phương án 1, có thể áp dụng cho cả bán điện dư trong cơ chế DPPA không sử dụng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án 2 sẽ rất phức tạp, khối lượng tính toán tăng lên rất nhiều lần so với phương án 1 vì phải tính toán từng chu kỳ giao dịch theo thị trường điện và sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm đáp ứng theo thị trường, đặc biệt là những hộ tiêu thụ điện nhỏ (chi phí trang bị hệ thống đo đếm tăng gấp 8 đến 10 lần hiện nay).
Đối với phương án 3: Hiện nay không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng một giá mua điện dư, do đó không có đủ lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia theo phương án 1 hay phương án 2. Để đơn giản trong thực hiện, đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 đến 700 đồng/kWh. Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hàng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Sau khi xem xét đánh giá, Bộ Công Thương cho rằng, với tính toán theo số liệu của năm 2023, cả 3 phương án đều cho kết quả tương đương nhau, xấp xỉ từ 600 đến 700 đồng/kWh.
Do có tính đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí đầu tư của EVN nên Bộ Công thương đề xuất thực hiện theo phương án 3, với giá đề xuất là 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).
Cũng tại dự thảo báo cáo gửi Phó Thủ tướng, Bộ Công thương cũng nêu rõ ý kiến đối với quan điểm EVN chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này. Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.
Về vấn đề này, Bộ Công thương nêu ý kiến cho biết, tại cuộc họp, lãnh đạo EVN thống nhất thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mua sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện quốc gia. Các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội đã được quy định tại các điều khoản của dự thảo Nghị định.
Đối với ý kiến Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của Nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng Nghị định cần thẩm định trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất phương án đề xuất của Bộ Công thương. Việc mua bán điện dư trên hệ thống điện quốc gia là chưa phù hợp với Quy hoạch điện VIII.