Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý các nhà băng yếu kém

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng...
Nếu thuận lợi, có thể cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2023 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ bởi ngoài những khó khăn phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, sự cố rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB vào cuối năm 2022 tác động mạnh tới thanh khoản, tâm lý thị trường.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước chủ động, chắc chắn và linh hoạt trong điều hành đã góp phần vào kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,25%, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, Việt Nam đồng mất giá khoảng 2,9% cho thấy là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao và dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện so với cuối năm ngoái. Đây là những điểm cộng để nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2023.

Năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động 4 lần giảm lãi suất điều hành và đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm ngoái hơn 2%, đặc biệt mặt bằng lãi suất đã đưa về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai các gói tín dụng thiết thực như gói tín dụng Nhà ở 120.000 tỷ đồng, gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho lâm, thuỷ sản; phân bổ hết hạn mức tín dụng hàng năm từ giữa năm 2023 và phối hợp với nhiều địa phương tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý các nhà băng yếu kém
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Đến hết năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,7%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm trước. Tín dụng tăng cao vào cuối năm là nhờ kết quả của sự tháo gỡ khó khăn nêu trên.

"Năm 2023 cũng là năm mà Ngân hàng Nhà nước tập trung nhiều vào các nhóm giải pháp căn cơ cho sự bền vững trong trung hạn. Qua các vụ việc đã xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã rút ra được những bài học để có sự lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng phát hiện rủi ro, chủ động cảnh báo với các tổ chức tín dụng và tăng cường công tác thanh tra, giám sát", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi chuyển giao pháp lý.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng cũng là một trong các bộ, ngành đi tiên phong trong công tác chuyển đổi số giảm chi phí và tăng tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay hầu hết các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng đều thực hiện trên môi trường số. NHNN đang cùng Bộ Công an triển khai thí điểm đối với các khoản tín dụng nhỏ lẻ để hạn chế 'tín dụng đen'.

Năm 2024, bà Nguyễn Thị Hồng dự báo nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt với tình hình và sẽ tập trung xử lý những vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng như việc xử lý ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

"Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như điều hành tín dụng. Ngay từ những ngày đầu năm đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là 15%. Hiện đã phân bổ thông báo hết cho các tổ chức tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của các tổ chức tín dụng với các tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch", Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, nếu như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để kiểm soát nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Hậu Lộc
Phiên bản di động