Mỹ phẩm "biến" thành thuốc chữa bệnh - Bài 4: Ayofa có thể bị xử phạt và tiêu hủy sản phẩm
Theo luật sư Diệp Năng Bình, mỹ phẩm là những chất hoặc sản phẩm có tác dụng làm đẹp cho da, tóc hay thay đổi mùi hương cơ thể. Chúng thường là hỗn hợp các chất hóa học, một số được triết xuất từ thiên nhiên như dầu dừa, tinh dầu quế, bạc hà… Còn theo quy định tại Điều 2 Luật Dược 2016 thì thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. |
Như vậy, từ hai khái niệm nêu trên thì việc “thổi phồng” các chức năng để gây nhầm lẫn về sản phẩm là hành vi pháp luật nghiêm cấm, vi phạm Luật quảng cáo.
Tại khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Sản phẩm của Công ty Ayofa được quảng cáo rầm rộ với công dụng hỗ trợ chữa nhiều loại bệnh. |
Ngày 14/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, hình thức xử phạt hành vi kinh doanh mỹ phẩm chưa thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm từ 20 triệu đồng trở lên là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 51 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh mỹ phẩm chưa thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm có tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm theo quy định tại Khoản 4 điều này” - luật sư Diệp Năng Bình nói.
Như trước đó Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, mặc dù chỉ xin được giấy công bố sản phẩm mỹ phẩm, không có tác dụng điều trị bệnh nhưng trên mạng xã hội Facebook, youtube hay chính Giám đốc của Ayofa đã quảng bá sản phẩm Cao thảo mộc Ayofa Relax như một loại “thần dược” và rao bán với giá hàng trăm nghìn đồng một hộp.
Ayofa Relax được giới thiệu như một loại "thần dược". |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tài - Giám đốc Công ty TNHH Ayofa cho rằng, việc “thổi phồng” công dụng của sản phẩm là do các đại lý làm sai. Nói về việc xin công bố các sản phẩm thì ông Tài lại khẳng định tất cả sản phẩm đã được xin công bố và do bên đối tác của công ty làm.
Ông Nguyễn Anh Tài khẳng định sản phẩm được đăng ký là mỹ phẩm (Ảnh: Youtube Nguyễn Anh Tài). |
Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An cho biết chỉ ký xác nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Ayofa Relax Lemon - một dạng mỹ phẩm triết xuất từ chanh, có tác dụng thư giãn cho da. Tuy nhiên, sau khi Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh thì vị lãnh đạo này thông tin lại sản phẩm triết xuất từ quế cũng đã có phiếu công bố nhưng cũng chỉ là mỹ phẩm, không có tác dụng như phiá Ayofa quảng cáo là chữa bệnh, hỗ trợ chữa bệnh. Một số sản phẩm còn lại phía sở sẽ kiểm tra lại hồ sơ.
Phiếu công bố do Sở Y tế ký chỉ có một loại sản phẩm với tên gọi Ayofa Relax Lemon. |
Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội và trên kênh Youtube, ông Nguyễn Anh Tài và các thành viên phân phối còn rầm rộ giới thiệu công dụng của cao thảo mộc Ayofa Relax như một "thần dược" 11/1 có thể chữa và hỗ trợ điều trị được nhiều loại bệnh khác như cảm cúm, bệnh trĩ, côn trùng cắn, đau xương khớp, đau vai gáy, giảm đau đầu, điều trị bệnh Gout…
Vậy những sai phạm của Công ty TNHH Ayofa sẽ được xử lý như thế nào, cơ quan nào có đủ thẩm quyền giải quyết sự việc?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.