Mỹ phẩm biến tướng kinh doanh kiểu đa cấp, giá trị thực thấp đến bất ngờ
Đó là lời dẫn dụ khi tham gia hội thảo “Khóa đào tạo chuyên sâu 1 ngày, bán hàng bùng nổ cuối năm” của một công ty chuyên bán mỹ phẩm mà phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã tham gia.
Có lẽ, chưa khi nào, việc sở hữu cho mình một mặt hàng mỹ phẩm lại dễ dàng như hiện nay. Không cần ra ngoài cửa hàng, chỉ cần ngồi nhà thôi, người tiêu dùng đã có thể “bơi” trong ma trận các loại mỹ phẩm.
Kinh doanh "online" đã thực sự trở thành trợ thủ đắc lực cho những người “mang trí lớn” và mong muốn chia sẻ cơ hội làm giàu không khó tới tất cả mọi người…
Nắm bắt được tâm lý hư danh, nhiều công ty đã tư vấn và đưa ra chính sách cực “hời” để khách hàng mua số lượng lớn vượt quá khả năng tiêu thụ tiến đến sẽ được lên cấp như “tổng đại lý” “giám đốc kinh doanh”.
Chỉ cần bỏ ra số tiền lớn để đầu tư nhập hàng là người tham gia có ngay chức danh |
Cụ thể đối với cấp sỉ phải nhập tối thiểu từ 5 sản phẩm trở lên triệu sẽ được chiết khấu 22%, còn đối với cấp cao nhất là Giám đốc kinh doanh nếu nhập 180 triệu sẽ được chiết khấu 58%.
Chỉ tính đơn giản, ví dụ sản phẩm Acne serum có giá thành 380.000đ/hộp, nếu chiết khấu cho người bán hàng lên đến 58% thì giá chỉ còn 160 nghìn/ sản phẩm trong đó bao gồm tiền mua nguyên liệu sản xuất, chi phí nhân công, hao mòn máy móc, chi phí vận chuyển, phí quản lý, phí đầu tư.
Với mong muốn làm sáng tỏ loại hình kinh doanh mang hơi hướng "đa cấp" này, phóng viên đã tham gia buổi hội thảo mang tên “Khóa đào tạo chuyên sâu 1 ngày, bán hàng bùng nổ cuối năm” diễn ra vào ngày 6/10 vừa qua. Tại đây, để "gieo mầm" cho khách mời khát vọng làm giàu, Công ty này mời một người đàn ông trẻ, xưng là Minh Adam đến để truyền lửa.
Đối tượng được mời tới tham dự buổi hội thảo này là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bạn trên mạng xã hội… Tới đây, mọi người được nghe “chuyên gia” chia sẻ về cách kiếm được nhiều tiền bằng việc kinh doanh mỹ phẩm online.
Sản phẩm được bày trong hội thảo |
Dù buổi hội thảo có khoảng trên dưới trăm người tham dự nhưng phóng viên (trong vai khách hàng đang tìm hiểu sản phẩm và sẽ nhập số lượng) lại được "chăm sóc" một cách đặc biệt khi đích thân giám đốc giới thiệu sản phẩm và "vẽ" ra những chiến lược phát triển sản phẩm “số 1 Việt Nam”
Quan trọng nhất, sau buổi hội thảo, Công ty lại có thêm không ít đơn hàng từ chính người tham dự khi họ bỏ tiền và đăng ký trở thành chi nhánh.
Theo tìm hiểu của PV Tuổi trẻ & Pháp luật, đứng đầu mạng lưới là Giám đốc Trần Phú Quý (S/n 1992) tiếp theo là giám đốc các khu vực, nhà phân phối và đại lý độc quyền...
Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư nhập hàng là người tham gia có ngay chức danh giám đốc, hoặc đại lý độc quyền nhằm phân phối lại cho các kênh bên dưới kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi khách nhập hàng số lượng lớn để được hưởng lợi nhuận cao, với số vốn hàng chục triệu đồng bỏ ra, hiệu quả như thế nào không phải điều dễ dàng có được.
Cũng vì chức danh giám đốc cao sang này, nhiều người trót ôm hàng nhưng vẫn "âm thầm" chịu đựng. Bởi nếu, họ có kêu than ế ẩm thì khác nào “vạch áo cho người xem lưng” nên đành "đâm lao thì phải theo lao" - chia sẻ của một giám đốc đang bán hàng cho Công ty chia sẻ.