Cơ chế kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội còn rất lỏng lẻo
Quản lý chặt hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội Mạnh tay xử lý hành vi quảng cáo “thổi phồng” sự thật |
Chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng.
Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.
Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). |
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu.
Bà Dung cho rằng, nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua loa, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả.
Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận). |
Cũng đóng góp ý kiến, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) quan tâm đến công tác quản lý của Nhà nước về những quảng cáo không đúng theo quy định. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đại biểu yêu cầu trong luật cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo.
Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
Cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo; nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.