Đối thoại bất thành, người dân “cầu cứu” Tổng cục Thuế
Lương Sơn (Hoà Bình): Vì sao Chi cục Thuế chậm trễ trả lời kiến nghị của người dân? |
Cuộc đối thoại bất thành
Ngày 30/8 vừa qua, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) đã có văn bản số 3675/CCT-NV gửi ông Ngô Văn H để trả lời đơn kiến nghị việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Chi cục Thuế huyện Lương Sơn - Hoà Bình |
Theo đó, ngày 12/8/2024, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn nhận được đơn kiến nghị của ông Ngô Văn H đề ngày 4/8/2024. Nội dung đơn (tóm tắt): Đề nghị tính toán lại nghĩa vụ tài chính cho ông N. Q. M (đề nghị áp dụng theo Điểm a, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 (sau đây gọi tắt là thông tư 76): Thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp).
Trong các văn bản của phòng Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đều nêu rõ: "Phần diện tích được phép chuyển mục đích nằm trong cùng thửa đất có nguồn gốc đã có đất ở, nhà ở". Tuy nhiên, ngày 11/7/2024, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn khi ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất vẫn tính mức thu bằng 100% chênh lệch giữa 2 loại đất. Chi cục Thuế đã cố tình không làm đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 12, Thông tư 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016. Chi cục Thuế không dựa trên thông tin của văn bản 760/CNVPĐKĐĐ ngày 4/7/2024 đề xác định nghĩa vụ tài chính cho người nộp thuế.
Hiện trạng thửa đất số 391, tờ bản đồ số 17, của ông N.Q.M tại xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Để trả lời nội dung đơn nêu trên, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn đã tổ chức buổi đối thoại với ông Ngô Văn H vào ngày 29/8/2024 (Gia đình ông N.Q.M, bà L uỷ quyền ông H đại diện làm đơn kiến nghị). Buổi đối thoại có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Huy Toán, Phó Chi cục trưởng chi cục Thuế huyện Lương Sơn.
Căn cứ biên bản làm việc, các bên đã thống nhất nội dung rằng thửa đất số 391, tờ bản đồ số 17, của ông N.Q.M tại xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, tại thời điểm được phép chuyển mục đích từ đất cây lâu năm sang đất ở, thửa đất không có nhà ở.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn H đề nghị Chi cục Thuế huyện Lương Sơn xác định nghĩa vụ tài chính cho hộ gia đình ông N.Q.M theo điểm a, khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76. Căn cứ cho yêu cầu này là Công văn số 760/CNVPĐKĐĐ ngày 4/1/2024 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lương Sơn, có nêu: Phần diện tích được phép chuyên mục đích năm trong cùng thửa đất có nguồn gốc đã có đất ở, nhà ở.
Trái lại, ý kiến của Chi cục Thuế huyện Lương Sơn lại cho rằng, để được áp dụng thu tiền sử dụng đất theo Điểm a, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76, thì tại thời điểm người nộp thuế được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất hiện đang có nhà ở.
Kết thúc buổi đối thoại, ông H ghi vào biên bản: Tôi không đồng ý với cách giải thích của Chi cục thuế...; mặc dù quy định tại thôn tư 76 rất rõ ràng nhưng cố tình không áp dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.
Người dân “cầu cứu” Tổng cục Thuế
Về mặt văn bản pháp luật, tại điểm a, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76 quy định:
Điều 5. Xác định tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; một số nội dung tại khoản này được hướng dẫn như sau:… a) Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp”.
Tuy nhiên, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn lại cho rằng, để được áp dụng thu tiền sử dụng đất theo Điểm a, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76, thì tại thời điểm người nộp thuế được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất hiện đang có nhà ở.
Văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hoà Bình - Chi nhánh huyện Lương Sơn xác nhận "Phần diện tích được phép chuyển mục đích nằm trong cùng thửa đất có nguồn gốc đã có đất ở, nhà ở". |
Như đã nêu trên, ông Ngô Văn H không đồng ý với phương án xác định nghĩa vụ tài chính mà Chi cục Thuế huyện Lương Sơn áp dụng. “Yêu cầu Chi cục Thuế tuân thủ quy định của pháp luật tại Thông tư 76 tính “đúng” tiền sử dụng đất cho người dân” – ông Ngô Văn H nhấn mạnh.
Với mong muốn nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ từ Tổng cục Thuế, để bảo vệ quyền lợi chính đáng, ông Ngô Văn H tiếp tục làm đơn (lần thứ 15) gửi ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Nội dung đơn cho rằng, Chi cục Thuế Lương Sơn không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không căn cứ vào các văn bản xác định nguồn gốc đất của UBND xã Nhuận Trạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lương Sơn. Các văn bản này lần lượt đều xác định "Phần diện tích được phép chuyển mục đích nằm trong cùng thửa đất có nguồn gốc đã có đất ở, nhà ở".
“Gần 1 năm nay, chúng tôi đã kiến nghị 14 lần nhưng không được Cục thuế, Chi cục Thuế giải quyết 1 cách thấu tình đạt lý. Chi cục Thuế tìm đủ lý do để bao biện cho hành động của mình nhằm mục đích câu giờ, kéo dài thời gian” – ông Ngô Văn H viết trong đơn.
Liệu có hiểu sai quy định của pháp luật?Quy định tại điểm a khoản 2 điều 5 của Thông tư 76/2014/TT-BTC để thu tiền sử dụng đất khi “chuyển mục đích sang đất ở”. Trong khi đó, Quy định tại điều 103 Luật đất đai 2013 về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm “xác định diện tích đất ở với trường hợp có vườn, ao”. Đây là hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Việc Chi cục Thuế Lương Sơn lấy đối tượng là “đất vườn, ao tại điều 103 Luật đất đai” làm “điều kiện” để áp dụng điểm a khoản 2 điều 5 của Thông tư 76/2014/TT-BTC có thể là sự nhẫm lẫn, “đánh tráo khái niệm”, do đó, tiềm ẩn nguy gây thiệt hại cho người đóng thuế. |