Mùa tuyển sinh đại học năm 2023: Nhiều ngành mới mở cửa đón thí sinh

Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường Đại học đã mở các ngành học mới nhằm đáp ứng xu thế phát triển không ngừng nghỉ của xã hội, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên.
Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành khoa học cơ bản bị “ế” Cuộc thi "Nhà Ngân hàng tương lai 2023" đã tìm được quán quân Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều ngành học mới năm 2023

Nhiều cánh cửa mở ra

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (có hiệu lực từ ngày 01/07/2019), các trường Đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Áp dụng điều này, mùa tuyển sinh năm nay, một số trường Đại học đã công bố đề án tuyển sinh với sự xuất hiện thêm từ 3 – 4 ngành học mới bên cạnh những ngành trước đó.

Học viện Ngân hàng mở thêm 4 chương trình đào tạo mới là: Ngân hàng số, Công nghệ tài chính, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch. Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm 4 ngành mới là ngành: Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ; Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; 2 ngành kỹ sư của Trường Đại học Việt Nhật là: Công nghệ thực phẩm và sức khỏe, Kỹ thuật công nghệ cơ - điện tử.

Nhiều ngành học mới được các trường mở ra
Nhiều ngành học mới được các trường mở ra

Đại học Bách khoa Hà Nội mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit, Kỹ thuật sinh học, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 63. Đơn vị này cũng vừa chính thức ra mắt Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số.

Năm 2023, trong đề án tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy dự kiến, trường Đại học Thủy lợi thông báo sẽ mở mới 3 ngành là Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Trường Đại học Phenikaa mở thêm 5 ngành/chương trình đào tạo mới gồm: Kỹ thuật phần mềm, Răng - Hàm - Mặt, Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.

Trong những năm trở lại đây, Trường Đại học Hà Nội mở những ngành học mới đáp ứng nhu cầu khá cao của thị trường lao động như: ngành Marketing có Marketing kỹ thuật số, ngành Truyền thông đa phương tiện, ngành Nghiên cứu phát triển dành cho người làm hợp tác quốc tế.

Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương mở hai ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và chương trình Kinh tế chính trị quốc tế. Tổng chỉ tiêu cho cả ba cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là 4.100, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2022.

Theo dòng thời cuộc

“Năm nay, Đại học Ngoại thương mở thêm ngành mới là Kinh tế chính trị và chương trình đào tạo Kinh tế chính trị quốc tế. Ngành Kinh tế chính trị, khi mới nhắc đến tên, nghe rất truyền thống. Theo điều tra của Đại học Ngoại thương về nhu cầu xã hội cùng phân tích bối cảnh của xã hội sẽ thay đổi trong những năm tới, Việt Nam đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tham gia vào những hoạt động chính trị kinh tế toàn cầu. Cử nhân của ngành học này sẽ cung cấp nguồn nhân sự quản lý cấp Trung ương, cấp địa phương có những tố chất đòi hỏi cao trong bối cảnh mới.”, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ lý do ra đời ngành Kinh tế chính trị.

Qua ngày hội tư vấn tuyển sinh, thí sinh được giải đáp về chương trình học, cơ hội việc làm
Qua ngày hội tư vấn tuyển sinh, thí sinh được giải đáp về chương trình học, cơ hội việc làm

Đáp ứng nhu cầu thời cuộc, các trường Đại học hiện nay đã và đang chú trọng phát triển nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số như: Robot và trí tuệ nhân tạo; Marketing số Công nghệ tài chính; Marketing công nghệ; Kinh doanh số; Kinh tế số; Công nghệ logistics…

Công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên bức thiết,… đã gióng lên mệnh lệnh cho các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Lý giải về việc mở thêm ngành ngôn ngữ Trung, TS. Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết: “Trước bối cảnh phát triển kinh tế, các doanh doanh nghiệp và đối tượng tham gia hoạt động ngành kinh tế cần có sự hiểu biết về pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân doanh nghiệp. Nhân lực tiếng Trung rất cần thiết bởi Việt Nam là hàng xóm thì cần hiểu sâu về ngôn ngữ. Mặt khác, những đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng lớn thì càng cần có nhân lực để đáp ứng”.

Số lượng phải đi đôi với chất lượng

Liên quan đến việc “nở rộ” những ngành học mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ đạo, các cơ sở đào tạo Đại học cần quan tâm ngành nghề gì đang thật sự có nhu cầu lớn, cần khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo và tuyển sinh hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc quá nhiều ngành học mới ra đời có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; thậm chí nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp khó xin việc vì thị trường hết nhu cầu.

Trước việc nở rộ những ngành học, thí sinh cần lựa chọn kỹ càng
Trước việc nở rộ những ngành học, thí sinh cần lựa chọn kỹ càng

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nhận định: “Việc lựa chọn một ngành nghề đào tạo mới mở ra hay đã mở từ những năm trước không phải là yếu tố quyết định, mà chúng ta cần phải có sự hiểu sâu, có sự định hướng căn cứ vào năng lực sở trường của mình, vào sở thích và thậm chí có khi cả vào điều kiện gia đình. Do đó việc nghiên cứu về xu hướng dự báo là rất quan trọng, nhưng đồng thời như tôi đã khẳng định các em đã lựa chọn một ngành nghề đó thì cái quan trọng nhất là chúng ta có học giỏi được lĩnh vực đó hay không”.

Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, dự báo xu hướng phát triển kinh tế thị trường trong 3 năm tới, nhu cầu công việc cho các nhóm ngành công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, kinh tế kỹ thuật và nhóm ngành xã hội sẽ tăng cao. Đây chính là nhóm những ngành được đông đảo thí sinh chọn lựa trong những năm gần đây.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động