Tuyển sinh đại học: Nhiều ngành khoa học cơ bản bị “ế”

Có những ngành học, 3 năm trở lại đây chỉ tuyển được dưới 10 thí sinh, có những ngành học chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu… Trước thực trạng này, nhiều trường đại học đang tìm cách thu hút thí sinh cho những ngành khoa học cơ bản.
Nhiều bất ngờ thú vị tại "Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023" Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều ngành học mới năm 2023 Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2023

Chật vật tuyển sinh

Chỉ tiêu tuyển 30-100 sinh viên, nhưng số người nhập học ở nhiều ngành khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên ở các trường đại học có khi chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay.

Dù khát nhân lực và cần thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thế nhưng một số ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, nông lâm, thủy sản vẫn chật vật trong công tác tuyển sinh.

Nhìn lại số lượng tuyển sinh ở một số trường đại học trong vài năm trở lại đây, có thể thấy, một số ngành xã hội đang rất cần nhưng thí sinh lại ít quan tâm như: Kỹ thuật tuyển khoáng, Kỹ thuật địa vật lý. Năm 2022, ngành Kỹ thuật tuyển khoáng lấy 30 chỉ tiêu, nhưng số lượng tuyển đầu vào chỉ khoảng 10 thí sinh, ngành Kỹ thuật địa vật lý trong khoảng 3-4 năm trở lại đây mỗi khóa chỉ tuyển được dưới 10 thí sinh…

Thí sinh không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản
Thí sinh không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản

Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này rất lớn, tuy nhiên ngày nay nhiều người trẻ vẫn e ngại khi chọn những ngành liên quan đến nông nghiệp. Một số ngành như chăn nuôi, thú y, thủy sản, số lượng thí sinh đăng ký vẫn khá nhiều, nhưng cũng có ngành Nông lâm ngư, số lượng thí sinh đăng ký lại ít.

Bên cạnh các ngành liên quan đến nông nghiệp, mỏ địa chất, các ngành nghề mang tính lý thuyết cao như triết học, chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh,… cũng rất khó thu hút học sinh.

Nhiều thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành "hot" như kinh tế, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, xã hội, nông nghiệp hay nhiều ngành nghề truyền thống khác.

Tại nhiều trường đại học, điểm chuẩn các ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành đào tạo truyền thống dù rất thấp vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, những ngành mới mở lại có điểm chuẩn tăng cao.

Vẫn cần chính sách đặt hàng

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Những ngành yếu thế như Nông lâm ngư, các em sinh viên cho rằng ra trường sẽ gặp khó khăn, để tháo gỡ vấn đề này, hiện nay chúng tôi đã có những hội thảo, hội đàm và sắp tới đây vào tháng 4 chúng tôi có Hội nghị với Bộ Nông nghiệp, làm sao kết hợp với doanh nghiệp trao học bổng cho các em để khối ngành này được phát triển tốt hơn.

Tôi cho rằng một trong các nguyên nhân chính là các em học sinh thấy ngành Nông Lâm nghiệp còn nhiều khó khăn như thiên tai, bão gió… Vì thế, chúng ta cần trang bị kiến thức cho các em để các em hiểu, nhìn nhận xã hội đúng hơn về ngành Nông Lâm. Chúng ta học để áp dụng công nghệ cao vào thực tế, làm thế nào để không phụ thuộc vào thời tiết, môi trường…

Thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng rất nhiều. Điển hình như Sơn La, ngành nông nghiệp rất phát triển, xuất khẩu tốt, thu nhập từ các ngành nông nghiệp cũng khá cao. Trong năm vừa qua, tỉ trọng xuất khẩu về nông nghiệp của nước rất lớn, kim ngạch xuất khẩu cao, mang lại giá trị cho đất nước từ ngành nông nghiệp. Chúng ta không chỉ đơn thuần là nông nghiệp truyền thống, mà học để ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, từ đó mang lại giá trị cho đất nước và thu nhập cho bản thân. Chúng ta cần để các em học sinh hiểu được điều này mà yêu thích ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, tôi cho rằng, để ngành Nông Lâm như bớt khó khăn, chính phủ nên đặt hàng, hỗ trợ thêm cho các em sinh viên, vì các em đều xuất phát từ những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, các em muốn học chương trình chất lượng cao thì phải đầu tư, thực hành, thực tập nhiều, nếu không có chính sách đặt hàng, các em phải trả một khoản tiền học lớn, như thế cũng sẽ là rào cản cho sinh viên”.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ hướng đi để thu hút nhiều sinh viên lựa chọn các ngành khó tuyển sinh: “Nhà trường sẽ tạo chính sách về học bổng, đó là dành 45 xuất học bổng cho 9 ngành khoa học cơ bản, mỗi một năm, sinh viên sẽ được hỗ trợ 50 triệu, để các em có thể yên tâm đầu tư vào nghiên cứu.

Bởi những ngành khoa học cơ bản ngày là những ngành then chốt để làm bệ đỡ cho những chính sách phát triển của chính phủ trong tương lai, vì vậy cũng rất cần phải có những đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu. Đối với những ngành học mà cần sự ưu tiên về mặt nguồn lực nhân sự như vậy thì nhà trường cũng sẽ có chính sách phù hợp, thiết thực.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những hướng để có thể ứng dụng những kiến thức của các em trong đời sống. Ví dụ ngành Sử học, đã phát triển thêm hướng nghiên cứu về đô thị học, hoặc ngành Triết học đã có phát triển thêm về Triết học và quản lý, như vậy các em có thể ứng dụng trực tiếp vào đời sống công việc”.

Bà Hương cũng cho biết, tất cả sinh viên đều có quyền học song bằng sau năm thứ nhất.

Về đầu ra cho sinh viên, ngoài việc căn cứ vào thị trường lao động để ra quyết định về chỉ tiêu tuyển sinh thì trong quá trình học, nhà trường luôn chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, học thêm ngoại ngữ. Đồng thời, nhà trường luôn tổ chức, làm mới các hoạt động hướng nghiệp, kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để các em có thể thực hành làm việc ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động