Mối lo nợ nguy cơ mất vốn tăng 'khủng' và bài toán tăng vốn của Agribank

Tại thời điểm cuối 2019, tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở mức 1,56% giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này lại tăng cao, tới 3.170 tỷ đồng lên 12.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% so với thời điểm cuối năm 2018.
Agribank có tân Chủ tịch

Nợ nguy cơ mất vốn tăng cao

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán cho thấy tình hình tài chính của một trong những nhà băng lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, năm 2019, thu nhập lãi của Agribank đạt 106.467 tỷ đồng, tăng 13%, nhưng do chi phí lãi tăng 19%, lên mức 63.807 tỷ đồng nên thu nhập lãi thuần chỉ đạt 42.660 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018.

Trong kỳ năm 2019, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của Agribank đạt 1.030 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2018. Trong khi đó, mua bán chứng khoán đầu tư khiến Agribank ghi nhận lỗ 24 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi 52 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2019 đạt 14.116 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 11.247 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 5.769 tỷ đồng năm 2018.

moi lo no nguy co mat von tang khung va bai toan tang von cua agribank
Nợ có khả năng mất vốn của Agribank tăng cao, tới 3.170 tỷ đồng lên 12.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% so với thời điểm cuối năm 2018.

Tính tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của Agribank là 1,383 triệu tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là khoản nợ tiền gửi của khách hàng, chiếm tới 1,269 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong khi đó, vốn điều lệ của Agirbank đến cuối năm 2019 là 30.591 tỷ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2019 tăng 13% lên mức 1,452 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,103 triệu tỷ đồng, tăng 11%; tài sản có khác tăng 13% lên mức 23.483 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản phải thu tăng mạnh thêm 58% lên mức 9.997 tỷ đồng, bao gồm khoản thu nội bộ là các khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ, nhân viên tổ chức tín dụng hơn 518 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu là hơn 12.932 tỷ đồng.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của Agribank ở mức 1,56% giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này lại tăng cao, tới 3.170 tỷ đồng lên 12.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% so với thời điểm cuối năm 2018 và chiếm tới 70% tổng nợ xấu.

Bài toán tăng vốn

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính, Công ty kiểm toán Deloitte nhấn mạnh, tính đến 31/12/2019, Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) do Agribank sở hữu 100% vốn đang lỗ luỹ kế 668 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 392 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả của công ty là 450 tỷ đồng, trong đó có 427 tỷ đồng nợ lãi phải trả Agribank. Những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC I.

Về nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, Agribank có đơn đề nghị xem xét thủ tục Giám đốc thẩm đối với các bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó ngân hàng được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ban Tổng giám đốc Agribank đã thận trọng đánh giá và tin tưởng rằng vụ án sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục giám đốc thẩm. Do vậy, chưa có cơ sở chắc chắn để ngân hàng ghi nhận khoản công nợ tiềm tàng vào báo cáo tài chính này.

moi lo no nguy co mat von tang khung va bai toan tang von cua agribank
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

Theo tìm hiểu của phóng viên, Agribank là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước, ngân hàng này là một trong những nhà băng quốc doanh đang gặp vướng mắc lớn trong yêu cầu tăng vốn, dù đây là nhu cầu cấp thiết và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngân hàng nếu không đáp ứng được các chỉ tiêu về an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Hiện vốn điều lệ của Agribank là 30.600 tỷ đồng, thấp nhất trong số Big 4 và chỉ số an toàn vốn cũng không thỏa mãn được tiêu chí 9% theo quy định hiện hành. Chính vì thế, Agribank đã đề nghị được tăng vốn thêm 12.500 tỷ đồng để có thể đáp ứng chuẩn Basel II với hệ số CAR là 8%. Vì là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách.

Theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định). Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%).

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank. Mức tăng vốn điều lệ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước (tối đa 3.500 tỷ đồng). Khoản này không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tăng vốn được, Nghị quyết của Chính phủ cần nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội. Trong khi đó, theo Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 quy định không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại. Do vậy, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội lần này sẽ bàn về đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động