Hiệp định Genève 1954 - Khúc ca về khát vọng hòa bình

Cách đây 70 năm, ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam được ký kết. Thắng lợi này trên mặt trận ngoại giao cũng ghi dấu khát vọng hòa bình, thống nhất của toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình: Điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách Tri ân làm nên nét văn hóa vì hòa bình của người Hà Nội Nhiều hoạt động tại Lễ hội Vì hòa bình 2024

Mốc son trên mặt trận ngoại giao

Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán và phức tạp với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước…

Hiệp định Genève: - Khúc ca về khát vọng hòa bình

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ (Ảnh tư liệu)

Trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geveve thành công" ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to".

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Genève, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Genève thừa nhận. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để Nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Genève đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Bản tình ca bất hủ

Sau Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị được xác định là ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Hơn hai mươi năm chia cắt đau thương, mất mát, càng cháy lên khát vọng hòa bình, thống nhất non sông trong từng con người Việt Nam nói chung và Nhân dân tỉnh Quảng Trị nơi vùng giới tuyến nói riêng.

Trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Từ nay chúng ta phải ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc... Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể Nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí. Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta phải đòi Chính phủ Pháp phải làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ ta”.

Sau Hiệp đinh Genève 1954, cây cầu Hiền Lương chia đôi dòng sông Bến Hải. Ở hai bờ giới tuyến, 2 miền Nam – Bắc, có vô vàn câu chuyện về những kiếp người, những cặp vợ chồng phải chia xa, trong đó có nhạc sĩ Hoàng Việt.

Hiệp định Genève: - Khúc ca về khát vọng hòa bình

Cầu Hiền Lương (1956-1964) phía bờ Bắc với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc (Ảnh tư liệu)

Thi hành Hiệp định Genève, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Nam bộ đã tập kết ra miền Bắc với niềm tin và hy vọng 2 năm sau sẽ trở về bằng cuộc tổng tuyển cử như quy định. Nhạc sĩ Hoàng Việt khi đó cũng trong đoàn tập kết ra Bắc, để lại quê nhà người vợ trẻ và 3 đứa con thơ. Ra tới Hà Nội, suốt ngày đêm, không khi nào ông nguôi nỗi nhớ vợ, con.

Một ngày tháng 10 năm 1958, nhận được thư vợ gửi từ Sài Gòn qua Paris rồi trở ngược lại Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt bần thần và thao thức trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Dồn cả tâm hồn hướng về phương Nam, nơi ấy là quê nhà, là bãi mía, nương dâu, là bến nước Cửu Long, là nơi có người vợ thủy chung và đàn con thơ bé. Vô vàn lời yêu thương muốn gửi trao mà không thể nói thành lời qua ngàn trùng xa cách. Tất cả chỉ có thể gửi cả vào khuông nhạc, lời ca. Và cũng từ đây, bản "Tình ca" bất hủ của ông ra đời.

Ca khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt được vang lên qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bay vào miền Nam như một lời thề thủy chung son sắt với tình yêu dù Bắc - Nam còn ngăn cách: “Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra/ Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang/ Qua núi biếc trập trùng xa xa/ Qua bóng mây che mờ quê ta/ Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha”...

Giai điệu hào hùng và tươi sáng chứa đầy niềm lạc quan, có sức mạnh lan tỏa và “vặn dây cót” tinh thần người nghe. Ngay lập tức, "Tình ca" trở thành tác phẩm thanh nhạc, bản tình ca hay nhất thời bấy giờ. Bản “Tình ca” “dâng cả bao người” của nhạc sĩ Hoàng Việt không chỉ là câu chuyện của lứa đôi mà là khát vọng thống nhất Nam – Bắc một nhà của mọi người dân Việt Nam khi ấy, cho đến giờ vẫn sống mãi cùng năm tháng.

Vĩ thanh

70 năm đã qua đi từ ngày đất nước bị phân ly và gần 50 năm ngày con sông Bến Hải, nơi cầu Hiền Lương bắc qua vỗ nhịp vui mừng khi Bắc – Nam về “chung một nhà”. Mảnh đất thiêng Quảng Trị giờ đây đang ngày một hồi sinh. Vậy nhưng, nỗi đau chia ly vẫn còn đó khi hàng triệu người con ra trận đã ngã xuống, mãi không về để hàng triệu bà mẹ vẫn từng ngày khắc khoải ngóng trông, để biết bao người cha, người mẹ khi nhắm mắt vẫn không được nhìn thấy những đứa con yêu dấu. Và trên khắp dải đất hình chữ S này, hơn 9.000 nghĩa trang và tượng đài đã trở thành minh chứng cho một khát vọng cháy bỏng về một nền hòa bình, độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Chứng tích đó luôn nhắc nhớ người dân Việt Nam, người dân Thủ đô về những giá trị không thể so sánh của hòa bình.

Hiệp định Genève: - Khúc ca về khát vọng hòa bình

Ngọn cờ thiêng liêng tại cầu Hiền Lương phấp phới bay như là một khúc ca về khát vọng hòa bình, sẽ ngân vang mãi trong lòng mỗi người con đất Việt.

Nền hòa bình mà chúng ta đang có được hôm nay chính niềm hạnh phúc bình dị, là khúc hoan ca mà ai ai cũng cần nâng niu, trân trọng, chung tay gìn giữ, đúng như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong từng nói: “Khát vọng hòa bình, vì hòa bình làm nên bản sắc văn hóa của người Việt. Đó là khát vọng không chỉ của Nhân dân Quảng Trị mà là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát. Một thế giới hòa bình đòi hỏi tất cả mọi người cùng chung tay gìn giữ, đồng lòng, sẵn sàng cùng nhau vượt qua ranh giới địa lý, văn hóa và tôn giáo để xây dựng một thế giới đầy yêu thương và sự công bằng”.

Thái Sơn
Phiên bản di động