Xây dựng Đội vững mạnh – Vì đàn em thân yêu

Mỗi địa phương nên có ít nhất một nhà thiếu nhi

Trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra Diễn đàn Xây dựng Đội vững mạnh – Vì đàn em thân yêu chiều 14/12. Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương tham dự diễn đàn.
Thiếu nhi hân hoan, quyết tâm thi đua chào mừng Đại hội Đoàn

Xác lập lại việc hình thành cung, nhà, trung tâm thiếu nhi

Theo đề dẫn diễn đàn, công tác xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu, trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng và cấp bách, đòi hỏi nhận thức một cách đồng bộ, toàn diện về vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong hệ thống chính trị cũng như mối quan hệ với cộng đồng. Để từ đó, công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đồng chí
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương (ngoài cùng bên phải) tham dự diễn đàn

Đóng góp ý kiến với diễn đàn, đồng chí Trần Thu Hà, UVBCH Trung ương Đoàn, Uỷ viên Hội đồng Đội Trung ương, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề cập đến một số nội dung, trong đó có hoạt động của thiếu nhi ngoài nhà trường. Cụ thể là hệ thống nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi, trung tâm hoạt động thiếu nhi, đây là các đơn vị thực hiện chức năng giáo dục thiếu nhi ngoài nhà trường.

Theo đồng chí Hà, tình hình hoạt động chung của các nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi, trung tâm thiếu nhi còn rất nhiều khó khăn. Giai đoạn 2017-2022 vừa qua, nhiều địa phương thực hiện việc sắp xếp sáp nhập cung, trung tâm, nhà thiếu nhi với trung tâm văn hoá hoặc các thiết chế văn hoá khác tại địa phương, dẫn đến sự chăm chuốt cho các nhà thiếu nhi ở một số tỉnh, thành gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế. Chưa kể sau hai năm dịch bệnh COVID-19, đến nay, nhiều nhà thiếu nhi còn khó khăn về cả điều kiện và con người nên việc khai thác, tập trung cho hoạt động còn nhiều hạn chế.

Từ khía cạnh đó, đồng chí Hà đưa ra một số ý kiến giải pháp mà tổ Đoàn, Đội cần quan tâm đến các cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi. Theo Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, nếu chúng ta dành những điều tốt đẹp cho thiếu nhi thì mỗi địa phương ít nhất cần dành cho các em một nhà, cung, hay trung tâm thiếu nhi. Việc này hết sức cần thiết mà nhân dịp Đại hội Đoàn toàn quốc - diễn đàn lớn của thanh niên cả nước, chúng ta cũng cần có những ý kiến để thể hiện vai trò là người đại diện tiếng nói của trẻ em.

Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thu Hà phát biểu

“Hiện nay, thiết chế dành cho thiếu nhi của chúng ta rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó việc chăm chuốt cho hệ thống nhà thiếu nhi, cung, trung tâm hoạt động thiếu nhi rất cần thiết. Chúng ta cần có sự đầu tư, đề xuất với các tỉnh, thành quan tâm xác lập lại việc hình thành các nhà thiếu nhi.

Tôi cho rằng cần tính toán lại về bộ máy, biên chế của hệ thống nhà thiếu nhi. Hiện mỗi địa phương đang có sự vận hành khác nhau, chế độ dành cho đội ngũ làm công tác thiếu nhi không đồng đều. Hệ thống nhà thiếu nhi đang rất khó khăn bởi các quy định về khai thác tài sản công. Do đó việc khai thác các nhà thiếu nhi phục vụ ngược lại cho các hoạt động của thiếu nhi là rất cần thiết. Vậy nên chúng ta cần xác lập nội dung này”, đồng chí Trần Thu Hà nhấn mạnh.

Lên tiếng mạnh mẽ hơn để “giữ chân” nhà thiếu nhi

Đồng chí Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cho biết, nhà thiếu nhi của huyện đã được xây dựng nhưng không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động tốt. Năm 2021, từ thực tế không duy trì hoạt động hiệu quả, UBND huyện đã xây dựng đề án chuyển nhà thiếu nhi cho Trung tâm Văn hoá huyện quản lý. Không chỉ Bắc Quang mà còn nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng như trong cả nước đã xảy ra tình trạng này.

Các đồng chí chủ trì diễn đàn
Các đồng chí chủ trì diễn đàn

“Huyện đoàn muốn giữ lại nhà thiếu nhi, và được yêu cầu chứng minh nhà thiếu nhi là trực thuộc tổ chức của Đoàn - Đội và chúng tôi đã gặp phải những khó khăn đó. Tôi mong rằng, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương có những tham mưu, tiếng nói mạnh mẽ hơn để giữ được nhà thiếu nhi trực thuộc tổ chức của Đoàn, Hội”, đồng chí Thanh Thảo bày tỏ.

Chia sẻ về cách tỉnh Hà Nam phát huy vai trò của trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, đồng chí Trần Ngọc Nam, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Hà Nam vẫn giữ nguyên được công chức trong các vị trí tại trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, tham gia vào công tác thiếu nhi. Bởi khi xây dựng đề án biên chế việc làm, chúng tôi xin biên chế vào Tỉnh đoàn và từ đó phân công công chức về trung tâm. Thực tiễn chúng tôi đang làm như vậy, để tránh thiệt thòi cho các đồng chí công tác tại trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi…

Diễn đàn
Diễn đàn Xây dựng Đội vững mạnh – Vì đàn em thân yêu

Đồng chí Lê Hải Long, UVBTV, Trưởng ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn - Chủ trì tại diễn đàn cho biết, đề xuất giải pháp củng cố, xây dựng và phát huy thiết chế cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi được đưa vào thảo luận tại Đại hội, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Trung ương Đoàn.

Việc số lượng nhà thiếu nhi sụt giảm là nội dung mà Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã lên tiếng và kiến nghị tại nhiều diễn đàn, cuộc họp với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Đồng chí cũng tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham góp tại diễn đàn để tiếp tục truyền đạt, đề xuất với Đại hội.

Trong khuôn khổ diễn đàn Xây dựng Đội vững mạnh – Vì đàn em thân yêu, các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII trao đổi, chia sẻ tham gia ý kiến xoay quanh 5 nội dung.

Đó là các vấn đề trọng tâm cần quan tâm trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, đức - trí - thể - mỹ cho thiếu nhi trong thời gian tới; Đề xuất giải pháp nâng cao công tác phụ trách Đội, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em; trọng tâm là các nội dung xác lập tại dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội.

Các đại biểu đề xuất giải pháp của Đoàn trong việc tham gia phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; Thảo luận góp ý dự thảo Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027”; Đề xuất giải pháp củng cố, xây dựng và phát huy thiết chế cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động