Lùm xùm quanh vụ "Newton": Chứng nhận đầu tư một đằng, làm một nẻo
Tuổi trẻ & Pháp luật đã có loạt bài phản ánh về những sai phạm tại Trường Phổ thông Newton (Trường Newton) về công tác tuyển sinh, đào tạo các cấp của Trường này tại lô đất TH2 - khu đô thị Nam Cường. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy việc tồn tại sai phạm này không đơn thuần chỉ có Trường Newton mà hầu hết các hoạt động giáo dục tại lô đất NT, TH1, TH2 đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích ban đầu.
Cụ thể, năm 2011, các lô đất NT, TH1, TH2 thuộc khu đô thị Nam Cường được UBND TP Hà Nội cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam nghiên cứu lập và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Trường Quốc tế Newton được đầu tư xây dựng trên 3 lô đất NT, TH1, TH2 |
Trong Quyết định của TP Hà Nội thời điểm đó nghiêm cấm “chủ đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn không đúng quy định dưới mọi hình thức để triển khai dự án”. Nhưng thực tế chủ đầu tư và các trường đã tự ý cho thuê, chuyển nhượng cho nhau để đến khi đôi bên không đạt được lợi ích thì mẫu thuẫn xảy ra, tranh chấp, kiện tụng gây mất an ninh trật tự như đổ đất cát, tự ý xây lấp, ngăn hàng rào... làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Để làm rõ thông tin các trường đang hoạt động trên các lô đất NT, TH1, TH2 nhưng không có trong danh mục đầu tư dự án được UBND TP chấp thuận tại Giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi trao đổi với bà Lê Thị Bích Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Newton. Bà Dung bức xúc: “Nhà nước có chính sách ưu đãi cấp đất để xây dựng trường học, chúng tôi đã xây dựng ngôi trường khang trang ở lô TH2 từ năm 2013. Trường Pascal đã hoạt động được gần 5 năm nay, 3 năm đầu ở lô TH2, thấy trường phát triển nên chúng tôi bỏ tiền ra xây dựng tiếp tại lô TH1 trong cùng dự án. Những người làm giáo dục như chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn khi phía Trường Pascal đã biến các chính sách ưu tiên đất dành cho trường học để phục vụ kinh doanh bất động sản; tại lô NT và TH1, Trường Pascal cho 6 trường khác thuê với giá rất cao”.
7h00 sáng các ngày trong tuần, phụ huynh và học sinh các ngôi trường này vẫn tất bật đến lớp |
Theo những gì bà Dung nói, PV đã đi thực tế và khảo sát khu vực các lô đất NT, TH1, TH2 thuộc khu đô thị Nam Cường và nhận thấy nơi đây không chỉ có Trường Pascal hoạt động mà còn có đến 3 trường khác. Trong đó, Trường Đại học Nguyễn Trãi và Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN (nhưng mới đây không còn dấu hiệu hoạt động), chỉ còn Trường THPT Nguyễn Huệ hiện vẫn tổ chức dạy và học cho khoảng 300 học sinh.
Đáng nói hơn đây là lô đất của Trường Mầm non Pascal nhưng được phân chia bên trong sân bằng hàng rào và những tấm biển hiệu ghi tên Trường THPT Nguyễn Huệ.
Nhằm làm rõ việc hoạt động của Trường THPT Nguyễn Huệ tại lô NT khu đô thị Nam Cường. PV đã liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường. Tiếp PV tại văn phòng, những giáo viên, nhân viên văn phòng cho biết hiệu trưởng đang phải điều trị tại bệnh viện nên chưa thể trả lời được.
Địa điểm này đáng lẽ chỉ có Trường Pascal được hoạt động, song Chủ đầu tư đã cho Trường THPT Nguyễn Huệ thuê lại |
Trong khi đó, theo quan sát của PV, Trường Đại học Nguyễn Trãi chỉ còn dấu tích là những dòng chữ “hút mắt” ở trên tường và tấm biển đã che lại.
Còn “trụ sở” của Cao đẳng Y – Dược ASEAN nay đã tháo biển, đang được sửa chữa lại cơ sở vật chất.
Quay trở lại với sai phạm của Trường Newton: Mặc dù đã có quyết định hoạt động ở ngõ 136 Hồ Tùng Mậu nhưng Trường này vẫn rầm rộ tuyển sinh và thực hiện đào tạo tại lô TH2, PV đã nhiều lần liên hệ với Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cũng như Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hà Nội nhưng sau gần 2 tháng trôi qua PV chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào của các đơn vị nói trên.
Tại thời điểm ghi hình, Trường Đại học Nguyễn Trãi đã che biển, không còn dấu hiệu của hoạt động dạy học |
Gần đây nhất, trong văn bản số 1387/UBND-VP, ngày 11/4/2019 của UBND quận Bắc Từ Liêm về việc chuẩn bị nội dung làm việc với chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật, báo Tuổi trẻ Thủ đô, UBND quận đã giao cụ thể nhiệm vụ kiểm tra, chuẩn bị nội dung, liên hệ và làm việc với PV về nội dung trên. Tuy nhiên, 1 tuần đã trôi qua, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị chuyên môn theo như văn bản.
Trước các hoạt động “lộn xộn”, tranh chấp của chủ đầu tư và các trường đang tồn tại ở khu đô thị Nam Cường, Tuổi trẻ và Pháp luật kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục làm rõ mục đích sử dụng của chủ đầu tư liên quan đến các hoạt động giáo dục trên lô đất NT và TH1, TH2, tránh ảnh hưởng xấu đến công tác giáo dục trên địa bàn Hà Nội và tâm lý cũng như hoạt động học tập của học sinh.