Loay hoay giải bài toán bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội
Khó thu hút đầu tư vào bãi đỗ xe ngầm
Từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại: Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).... đến nay đều chưa được khởi công.
Thiếu bãi đỗ xe, các vỉa hè tại Hà Nội bị trưng dụng. |
Đặc biệt, trong đó có dự án bãi xe ngầm tại Công viên Thống nhất đã được chuyển đổi từ dự án khách sạn sang dự án bãi xe ngầm từ năm 2009, tuy nhiên sau 10 năm, nơi đây vẫn là bãi đất trống và đang xảy ra tình trạng “biến tướng” những bãi xe công cộng thành nhà hàng, dịch vụ, chứ không phải mục đích công cộng, gây bức xúc dư luận.
Bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa 15 mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến khoảng 10 năm nữa, các bãi đỗ xe trong thành phố sẽ thiếu trầm trọng. Việc tận dụng không gian ngầm, không gian công cộng để quy hoạch xây dựng giao thông tĩnh, kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng các bãi đỗ xe ngầm là vấn đề cấp thiết.
Thậm chí, từ năm 2016 – 2018, thành phố đã có Nghị quyết về khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu các không gian ngầm để xây dựng bãi đỗ xe, với danh mục gần 40 dự án; đồng thời bố trí quỹ đất mới phục vụ thương mại để giúp nhà đầu tư thu hồi vốn, nhưng đến này mới có 5 nhà đầu tư đăng ký.
Đơn cử, dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống nhất được thành phố tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thực hiện. Từ năm 2009, đơn vị này đã bắt tay triển khai, với dự toán kinh phí 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi trình phương án thu hồi vốn, thì nhà đầu tư này “không dám” tiếp tục, vì cơ chế hoàn vốn chỉ được thành phố chấp thuận từ việc thu phí trông giữ xe.
Hay gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất UBND TP Hà Nội dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy với diện tích 1,45 ha (trên tổng diện tích 10ha). Dự án đang được lấy ý kiến người dân trong khu vực, song, do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn, nên dự báo là khó có thể triển khai. Đại diện doanh nghiệp cho rằng vốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm thường lên tới cả trăm tỷ đồng, nếu chỉ trông chờ vào tiền trông giữ xe, mà không được kết hợp với các dịch vụ thương mại thì không biết đến bao giờ mới trả hết nợ…
Sớm tháo gỡ cơ chế
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để đảm bảo tính khả thi, cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong việc đầu tư, xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cơ quan chức năng đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách. Dự kiến, thành phố cho phép nhà đầu tư được lồng ghép chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng, nhưng không làm thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe; đồng thời, xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong và có các ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, thuê đất, giao đất…
Bãi đỗ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan khó đáp ứng hết nhu cầu người dân. |
HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung, với tổng diện tích 1.197,8 ha trong phạm vi đô thị trung tâm. Trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm (chiếm tỷ lệ 5%, chủ yếu trong khu vực nội đô lịch sử); 450 bãi đỗ xe cao tầng (chiếm tỷ lệ 30,4%) còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất.
Mạng lưới bãi đỗ xe công cộng quy hoạch như trên hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 66% tổng nhu cầu đỗ xe của thành phố, nhu cầu đỗ xe còn lại được phân bổ vào công trình xây dựng (công cộng, dịch vụ, hỗn hợp, trụ sở, nhà ở cao tầng...) theo hướng tăng tầng hầm, tăng diện tích đỗ xe bảo đảm đáp ứng nhu cầu cư dân và một phần nhu cầu công cộng của khu vực chung quanh. Trong giai đoạn 2019 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư 204 dự án tập trung tại khu vực nội đô, diện tích 183,56 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 29.872 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.