Trường học đầu tiên ở Vĩnh Phúc có Phòng Tâm lý học đường
Bà Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên cho biết, Phòng học Tâm lý học đường để phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Phòng học Tâm lý học đường để phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý |
Phòng Tâm lý học đường cũng sẽ hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Việc xây dựng Phòng Tâm lý học đường và triển khai các chương trình hoạt động hỗ trợ về Tâm lý, Hướng nghiệp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Trao đổi với PV, ThS. Tâm lý lâm sàng Lưu Thị Phương Loan - Phụ trách Phòng Tâm lý học đường cho biết, năm 2019, cô được nhà trường phân công phụ trách thêm Phòng Tâm lý học đường.
Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, cô gặp nhiều khó khăn do học sinh, giáo viên, phụ huynh nhận thức chưa đúng về chức năng, vai trò của Phòng Tâm lý học đường nên chưa quan tâm; học sinh còn tâm lý e ngại, lo sợ khi đến học sẽ bị bạn bè chê cười.
ThS. Tâm lý lâm sàng Lưu Thị Phương Loan, chuyên viên tâm lý học đường tham vấn nhóm học sinh tại phòng Tâm lý học đường |
Để phòng học hoạt động hiệu quả, cô đã Loan tích cực tham gia các lớp tập huấn, tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức về tâm lý học đường.
Thông qua các giờ chào cờ, họp tổ chuyên môn, hoạt động ngoại khóa… cô Loan đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh mục đích của công tác tư vấn tâm lý cho toàn thể học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Cô Lưu Thị Phương Loan cũng đã tham mưu cho nhà trường xây dựng trang fanpage riêng của Phòng Tâm lý học đường để đăng tải các hoạt động, chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục nhằm kết nối, lan tỏa giá trị tới toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng.
Nhờ đó, sau thời gian ngắn, học sinh, giáo viên, phụ huynh có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động.
Theo ThS. Tâm lý Lưu Thị Phương Loan, học sinh THPT phải đối mặt với khó khăn trong học tập, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp tương lai, dẫn đến những lo lắng, bất an về tâm lý.
Hơn nữa, những khó khăn trong giao tiếp với cha mẹ, bất đồng trong quan hệ với thầy cô và bạn bè, thiếu hiểu biết về giới tính… mà không thể tự giải quyết được sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn cảm xúc, bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích, bỏ học... rồi trở thành tội phạm.
Các đại biểu tham quan Phòng Tâm lý học đường |
Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh trong trường học là khá cao và được xem như một vấn đề cấp thiết.
Những học sinh có nhu cầu được hỗ trợ có thể đăng ký qua email của phòng, viết thư bỏ vào hộp thư tư vấn hoặc đề xuất với giáo viên chủ nhiệm để họ đề xuất với nhà tâm lý học đường.
Với vai trò là người phụ trách chuyên môn của Phòng Tâm lý học đường, cô Loan đã chủ động cập nhật thời khoá biểu học tập của tất cả các lớp trong trường học để thuận tiện trong việc xếp lịch hẹn học sinh.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để các em cởi mở, tin tưởng tâm sự, chia sẻ, đó là cô luôn đặt mình vào vị trí của học sinh và là người bạn thân. Đồng thời, cô cũng trực tiếp dự giờ một số tiết học; gặp bạn bè, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu thêm về thông tin và hoàn cảnh của học sinh, trước khi đưa ra phương pháp tham vấn phù hợp.
Với sự tận tình, chu đáo của cô Lưu Thị Phương Loan đã giúp nhà trường phòng ngừa tệ nạn học đường, hỗ trợ học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Tại buổi làm việc với Trường THPT Vĩnh Yên, ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, đây là Phòng Tâm lý học đường mới có đầu tiên ở Vĩnh Phúc, do đó cần nhân rộng mô hình này ở cấp trung học, tiểu học và cả mầm non, đồng thời truyền thông rộng rãi để học sinh hiểu đầy đủ mục đích và nội dung, cách thức và giải pháp trợ giúp nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi cần thiết, giảm thiểu những tác động tiêu cực và góp phần phòng chống bạo lực học đường.
"Công tác tư vấn tâm lý cần được các nhà trường đẩy mạnh nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên về kỹ năng sống, củng cố niềm tin và bản lĩnh sống; hỗ trợ về ứng xử phù hợp với các mối quan hệ xã hội, tình bạn, tình yêu và giúp các em hoàn thiện nhân cách", ông Huyến nói.