Kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo ra sao?

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024.
Kinh tế - xã hội Việt Nam tháng đầu năm 2024: Thách thức! Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết

Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB, Việt Nam có mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023, do chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài suy yếu và trên nền cơ sở tăng cao năm trước.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2024 do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.

Trong đó, nhóm nghiên cứu đề cập đến cuộc xung đột quanh khu vực Biển Đỏ, chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm, khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, do đó kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển.

Kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo ra sao?
Ảnh minh họa.

Theo nhóm nghiên cứu, việc này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà còn với các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân do các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Một yếu tố khác mà nhóm nghiên cứu Ngân hàng UOB cho rằng cần xem xét là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, vấn đề quan trọng là các ưu đãi thuế khác nhau như thuế suất ưu đãi, miễn thuế, cùng nhiều ưu đãi khác dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia đã giúp giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 20%.

Với sự thay đổi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia, sẽ cần tính đến chi phí thuế cao hơn trong kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Với những cơ sở trên, nhóm nghiên cứu Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ Việt Nam là 6 - 6,5%.

Hậu Lộc
Phiên bản di động