Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đồng thời, người bán cũng không dám mở rộng kinh doanh như các năm trước...
Nông dân phấn khởi thu hoạch bưởi dịp Tết Các nàng thơ xúng xính áo dài đi chụp ảnh đón Tết Không về quê đón Tết, người trẻ làm gì?

Thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cuộc sống

Từ đầu năm 2023 trở lại đây, anh Đinh Văn Hưng (33 tuổi, sống tại Hà Nội) phải liên tục chạy thêm nhiều công việc khác nhau kể từ khi công ty cũ của anh cắt giảm nhân sự.

Anh Hưng thuộc trong nhóm những người buộc nghỉ việc. Kể từ đó, anh đăng ký đi chạy xe dịch vụ và kinh doanh hàng hoá cho người em họ để duy trì kinh tế của gia đình.

Theo anh Hưng, vì là trụ cột kinh tế của gia đình nên anh đồng thời kiêm nghiệm thêm nhiều công việc để có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Anh Hưng tranh thủ chạy xe dịch vụ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong những ngày cận Tết

“Tôi và vợ đã cùng bàn bạc và cắt giảm tối đa chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, nhằm đảm bảo các khoản quan trọng khác, nhất là tiền ăn, học của con. Trước đây, con tôi vẫn có thêm quà bánh, những món đồ dùng con yêu thích, nhưng giờ với từng đó tiền, buộc cháu phải có gì ăn đấy, đồ ăn vặt không thể mua tuỳ tiện như trước”, anh Hưng chia sẻ.

Hằng ngày, ngoài việc chạy xe công nghệ, anh Hưng tất bật di chuyển về kho hàng của người em họ để phụ bán hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, nên kho hàng nơi anh đang làm cũng rất “ế ẩm”, hàng hoá tồn đọng với số lượng lớn.

Thời điểm cận Tết năm ngoái, mỗi ngày kho bán khoảng 300 chiếc túi xách và rất nhiều đồ dùng giày dép khác, nhưng năm nay, những ngày này, kho hàng của anh xuất đi được 100 cái túi/ngày đã là rất “đắt hàng”.

"Túi xách từ các loại có giá trên 2 triệu đồng giờ cũng ít có người mua, họ chỉ chọn quanh mức giá 300.000 – 500.000 đồng. Trang sức cũng chỉ quanh quẩn những bộ có giá vài trăm nghìn đồng", anh Hưng chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Phượng (40 tuổi, sống tại Hà Nội) là kế toán một công ty xây dựng cho biết, trong nửa cuối năm 2023, chi tiêu của chị và gia đình đã phải bó hẹp hơn rất nhiều vì nguồn lương thưởng cơ bản không đủ để chi trả sinh hoạt phí.

Trong 6 tháng trở lại đây, công ty nơi chị làm việc đã bắt đầu chậm lương. Cùng với đó, do tình hình kinh tế của công ty gặp nhiều khó khăn nên các khoản thưởng chế độ trong năm cũng giảm đi đáng kể.

Có thời điểm chị Phượng bị chậm lương đến gần 3 tháng, song tiền học cho con thì vẫn phải đóng đều nên chị phải chủ động siết chặt chi tiêu của gia đình.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Đứng trước việc kinh tế gia đình thụt giảm, chị Phượng phải cân nhắc kỹ, chọn mua sản phầm phù hợp vào mỗi lần đi siêu thị.

Chị Phượng đã phải lập một ngân sách để ghi lại những chi tiêu của gia đình thành các mục chính (bao gồm tiền ăn, tiền mua thực phẩm, tiền gas, chi phí đi lại, quần áo, tiền điện thoại, điện nước…). Đồng thời, chị và gia đình cùng đặt mục tiêu và học cách hy sinh cái nhỏ cho cái lớn khi lên kế hoạch về những mục tiêu chung của gia đình như dành tiền để các con đi học, trả hết nợ nần…

Chị và chồng cũng khuyến khích 2 con mình đặt mục tiêu thực tế hơn trong cuộc sống. Giả sử mỗi tháng phải chi 2 triệu đồng cho tiền thực phẩm, tháng tới giảm xuống còn 1,5 triệu đồng cho khoản này bằng cách mang cơm hộp tới chỗ làm, chỗ học hoặc hạn chế vào những cửa hàng đồ ăn bên ngoài.

Sau quãng thời gian thắt chặt ngân sách chi tiêu của gia đình, chị Phượng cho biết, chị ít phải đau đầu về chuyện tiền bạc, song dịp Tết cận kề chị và gia đình lại phát sinh thêm nhiều khoản phải lo.

Bớt ăn uống sang chảnh dành tiền sắm Tết

Cứ mỗi buổi tối sau tan làm, bạn Vũ Thị Linh Chi (23 tuổi, sống tại Hà Nội) lại khoác lên mình bộ quần áo sang chảnh, cùng bạn bè tới những nhà hàng view “triệu đô” để ăn uống và tận hưởng một buổi tối cực “chill” sau một ngày làm việc căng thẳng.

Chia sẻ với phóng viên, bạn Vũ Thị Linh Chi cho biết, thời điểm đó, với mức lương 15 triệu đồng/tháng, cộng thêm thưởng doanh số, lại không bận lo toan hay vướng mắc chuyện gia đình nên cô nàng luôn thoải mái chi tiêu mà không phải lăn tăn vấn đề gì.

Tuy nhiên, 5 tháng đổ lại đây, Chi đã phải tự vạch ra bảng chi tiêu ăn uống chỉ vì đã lỡ đi quá xa vào con đường “ngốn tiền cho bao tử”.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Linh Chi cũng quyết định tự nấu ăn tại nhà thay vì đi ăn uống sang chảnh như trước đây

Theo lời kể của Chi, ngày mới ra trường cô nàng đầu quân cho một cửa hàng quần áo, thời điểm đó, khách hàng ghé tới cửa hàng rất đông, tấp nập, ngày nào Chi cũng tiếp đón hàng trăm lượt khách ra vào nên thu nhập của cô nàng được xem là “khủng” so với một sinh viên mới ra trường.

Tuy nhiên, càng gần những tháng cuối năm 2023, lượng khách ghé cửa hàng càng có chiều hướng thụt giảm. Lúc này, khi nhận thấy nguồn cầu giảm mạnh, Chi cùng cộng sự đã ngồi lại bàn bạc và quyết định giảm nguồn cung vì kinh phí không có để sản xuất và cũng sợ rằng sản phẩm sẽ để tồn kho nếu không bán được.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng phải thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt trong những dịp cận Tết.

Đôi bạn Nguyễn Quang Trung và Phùng Hương Hạnh (24 tuổi) cũng cân nhắc nhiều với những món đồ dùng trong gia đình. Được biết, cả 2 hiện đều là sinh viên mới ra trường, mặc dù chưa áp lực nhiều về kinh tế gia đình, nhưng để duy trì cuộc sống nơi thành thị và xây dựng kế hoạch trong tương lai, cả 2 bạn đều phải có kế hoạch chi tiêu hợp lí.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Đôi bạn Nguyễn Quang Trung và Phùng Hương Hạnh chỉ chọn mua những sản phẩm thực sự cần thiết trong gia đình

Thông thường, hai bạn sẽ chi tiêu dao động 500.000 - 800.000 đồng cho một lần đi siêu thị. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì kinh tế trong thời kỳ khó khăn, hiện tại, hai bạn trẻ luôn cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định mua hàng. Thậm chí, nếu tận dụng được sản phẩm tái chế, hai bạn đều tranh thủ tận dụng tối đa hiệu suất sử dụng sản phẩm đó.

Năm 2023 có thể nói là một năm ảm đạm đối với nền kinh tế toàn cầu, khi không chỉ các hộ cư dân nhỏ lẻ, mà nhiều "ông lớn" trong ngành bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng do sức mua thị trường thụt giảm nghiêm trọng.

Theo thông tin trên được đề cập trong báo cáo kết quả kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) được công bố vào cuối tháng 12/2023, chỉ riêng hai tháng 10 và 11, các chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và TopZone đóng gần 150 cửa hàng.

Đây là con số cao nhất từ trước đến nay với công ty này. Không chỉ vậy, doanh nghiệp sở hữu những chuỗi cửa hàng này cũng đánh mất 13% doanh thu so với cùng kỳ vào cuối tháng 11/2023. Theo kế hoạch, công ty này có thể đóng tổng cộng 200 cửa hàng trong ba tháng cuối năm.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Một trong những mặt bằng từng là của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang để trống ở trên đường Giải Phóng (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Ngành hàng F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) cũng sụt giảm mạnh. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report hồi tháng 9/2023, từ năm 2022 đến 2023, 33,3% doanh nghiệp ngành này giảm doanh thu; 41,7% doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong hơn 26.000 thương hiệu ở Việt Nam đang trên đà suy giảm sản lượng.

Thu nhập sụt giảm mạnh, nhiều công ty phá sản, nợ lương là nguyên nhân dẫn đến nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng và dần thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng quen thuộc.

Chia sẻ của thu ngân Nguyễn Thị Thảo tại một siêu thị cho biết, hiện nay khách hàng hướng đến sản phẩm có giá thấp hơn, tập trung vào giá trị sản phẩm.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Nhiều sản phẩm trong siêu thị cũng đồng loại được giảm giá để tăng sức mua của người tiêu dùng

Theo đó, khách hàng thay vì chọn mua các loại đùi heo trọng lượng 5kg như năm ngoái, nay chuyển xuống loại 1kg.

Song để tăng doanh số bán hàng, kích cầu người dân, siêu thị nơi bạn Thảo đang làm việc phải tìm cách đa dạng phương thức bán hàng, chủng loại sản phẩm, đồng thời thực hiện nhiều các chương trình khuyến mại, giảm giá.

Kinh tế khó khăn, người mua kẻ bán cùng “dè dặt” dịp Tết
Thu ngân Nguyễn Thị Thảo đang thanh toán cho khách hàng

Khi người tiêu dùng cắt giảm mức chi tiêu, hạn chế mua hàng hơn trước, không chỉ riêng siêu thị nơi Thảo đang làm việc mà các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng phải xoay chiến lược kinh doanh. Cùng với đó, nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại cũng cần được đẩy mạnh.

Hiện nay, các đơn vị lớn như MM Market, Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... đã và đang liên tục công bố những đợt khuyến mãi cực khủng, đi kèm rất nhiều vocher cho khách hàng sử dụng và được kéo dài khuyến mãi ở tất cả ngành hàng dịp cận Tết.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động