Không nên cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn như hiện nay là chưa phù hợp...
Cân nhắc quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

Theo đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa), thời gian qua, diễn biến an toàn trật tự giao thông có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác chấp hành.

Mặt khác, nhiều yếu tố về giao thông đường bộ cần được quy định đầy đủ, cụ thể, để tạo hành lang pháp lý quan trọng về đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

Vì vậy, đại biểu Lê Hữu Trí đánh giá, việc ban hành riêng biệt Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý.

Không nên cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa).

Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn nghiêm trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như về mặt sinh học…

Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đồng tình "không nên quy định cứng nhắc, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn".

Ông Bình đề nghị thiết kế quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định, nếu vượt ngưỡng cho phép mới bị xử phạt.

"Một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa nhưng khi lái xe, nếu đo nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt. Điều này chưa hợp lý và chưa thuyết phục, dễ gây tranh cãi khi người dân bị thổi nồng độ cồn", ông Bình nêu ví dụ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động