Khó khăn bất động sản, chứng khoán, trái phiếu... làm tăng khiếu nại, tố cáo
Cuộc đua vay nợ trái phiếu sôi động trở lại Kiến nghị gỡ khó cho đợt cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh sẽ được hoàn trả hơn 8.000 tỷ đồng |
Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023 tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022.
Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%). Tòa án nhân các cấp đã tiếp 285 lượt người (314 người) về 253 vụ việc (không có đoàn đông người), trong đó 170 vụ việc khiếu nại; 83 vụ việc tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo; có 28.892 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.
So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.
Về kết quả giải quyết tố cáo, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 7.592 vụ việc, giảm 7,6%; đã giải quyết 6.547 vụ việc, đạt 86,2%. Tòa án các cấp đã tiếp nhận 313 đơn tố cáo, trong đó, thuộc thẩm quyền 312 vụ việc, đủ điều kiện thụ lý 110 đơn của 109 vụ việc; đã giải quyết 100 đơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. |
Theo ông Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Về kết quả giải quyết tố cáo, qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo trong báo cáo của Chính phủ, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, số tố cáo tiếp có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao.
Do đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết tố cáo.
Cũng cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, so với năm 2022, số người, vụ việc và đoàn đông người năm 2023 tăng mạnh.
Theo đó, tăng 37,5% về số lượt, 41,8% về số người và 33,2% về số vụ việc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao số đoàn đông người, số lượt người và vụ việc tăng như trên.
Bên cạnh đó, công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng tăng mạnh, nhất là về số lượt đoàn đông người. Số đơn thư do các bộ, ngành Trung ương tiếp nhận tăng 79,3%; tăng cao hơn rất nhiều so với địa phương.
Phát biểu giải trình nguyên nhân khiến số lượng khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, năm 2022 có thời gian tập trung thực hiện phòng chống dịch COVID-19, nên số người dân đến trụ sở các cơ quan Nhà nước để khiếu nại, tố cáo ít hơn so với năm 2023.
Bên cạnh đó, năm 2023, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, có nhiều dự án đầu tư hơn so với trước. Để thực hiện các dự án này phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đế phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 cho đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số lĩnh vực như về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản... gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng đổ vỡ, trong đó có ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, làm phát sinh đơn thư, khiếu nại, tố cáo.