Khán giả thất vọng khi xem phim Cám
Những người trẻ miệt mài đi tìm màu sắc của Hà Nội xưa Khởi chiếu phim hoạt hình “Totto-chan bên cửa sổ” |
Khởi đầu đầy hứa hẹn...
Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích kinh điển Tấm Cám, bộ phim điện ảnh Cám (2024) đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ khi công bố những hình ảnh đầu tiên vào tháng 7/2024. Poster đậm chất ma quái, cùng với bài đồng dao "Bống bống bang bang" được chỉnh sửa theo hướng rùng rợn, đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Poster phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả với tạo hình ám ảnh cùng bài đồng dao quỷ dị |
Khán giả đã vô cùng ấn tượng với tạo hình nhân vật trong phim đã đạt đến mức độ chỉn chu cần thiết cho một bộ phim lấy bối cảnh cổ trang Việt. Từ những dải lụa, mấn đội đầu, đôi hài... được làm chỉn chu, thực tế cho đến diễn xuất của hai nữ diễn viên chính Lâm Thanh Mỹ (Cám) và Rima Thanh Vy (Tấm) đều nhận được sự tán thưởng nhiệt tình của khán giả đại chúng. Đồng thời, bối cảnh làng quê Việt Nam cũng được khắc họa rõ nét với nhiều chi tiết đặc trưng như cây đa, giếng nước, nhà ba gian, mái tranh,... thuở xưa.
Màu sắc trong phim biến đổi linh hoạt theo tình huống, có lúc sáng rực rỡ trong ngày hội thử hài nhưng cũng đầy rẫy những khoảnh khắc u tối, máu me đến rợn người khiến người xem không khỏi hãi hùng. Thủ pháp kinh dị được đạo diễn Trần Hữu Tấn áp dụng từ Kẻ ăn hồn (2023) và Chuyện ma gần nhà (2022) đủ để những ai yếu bóng vía “hết hồn” trong rạp.
Bối cảnh làng Hương trong phim Cám (2024) được đánh giá gần gũi, chân thật |
Nhân vật chính trong phim là cô Cám – một hình tượng bị ghét bởi bao thế hệ trẻ em Việt Nam sau khi nghe chuyện Tấm Cám trong cổ tích. Theo một hướng đi hoàn toàn khác, Cám (Lâm Thanh Mỹ) được khắc họa là một cô gái bất hạnh dù được sinh ra trong gia đình quyền thế trong làng. Bởi ngoại hình dị dạng từ lúc chào đười, Cám bị cả gia đình, làng xóm hắt hủi. Ngay cả cha ruột Hai Hoàng (Quốc Cường) hay mẹ kế (Thúy Diễm) cũng rất ghét bỏ đứa con do chính mình đẻ ra.
Sử dụng những xung đột từ những điều nhỏ nhất, những khổ đau, bất công trút lên đầu Cám ngay từ khi còn là một đứa trẻ khiến khán giả dễ thấu hiểu và cảm thấy “bực bội” thay cho cô bé tội nghiệp. Những tưởng rồi cuộc đời Cám sẽ thay đổi tích cực nhưng rồi người xem lại phải chứng kiến sự sa ngã đến đau lòng của Cám khi những sợi dây tình thân cuối cùng mà cô bé bấu víu vào cũng bị người cha độc đoán vung tay cắt đứt lạnh lùng.
Vô số tình tiết và nhân vật được NSX phim hé lộ khiến khán giả "rần rần" |
Nội dung khiên cưỡng, nhồi nhét tình tiết
Nội dung phim mở đầu với phần giới thiệu nguồn gốc bi kịch một cách tường tận về giao kèo với ác quỷ Bạch Lão cùng gia đình Hai Hoàng của hai chị em Tấm Cám. Thay vì để khán giả tự khám phá về cái ác thông qua nội dung phim, đạo diễn Trần Hữu Tấn chọn cách “kể hết” thông qua đoạn hoạt họa đậm màu sắc dân gian Việt Nam.
Dù là phản diện chính nhưng Bạch Lão (NSƯT Hạnh Thúy) không được đào sâu khai thác nhân vật |
Chính hướng đi khác biệt này của đạo diễn “Chuyện ma gần nhà” đã khiến trải nghiệm phim có phần bị hụt hẫng ngay từ đầu. Khán giả đã nắm rõ thông tin về phản diện chính và nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh của Cám khiến sự tò mò, một trong những yếu tố quan trọng bị lu mờ hoàn toàn. Phản diện Bạch Lão dù được tạo hình cực kì ấn tượng và ám ảnh nhưng nguồn gốc, tính cách, nội tâm nhân vật này hoàn toàn bị bộ phim bỏ qua. Cám (2024) chỉ khắc họa Bạch Lão như cái ác đơn thuần, theo đuổi một mục đích theo motif cũ kỹ, không có động lực hay câu chuyện làm bàn đạp phía sau để khán giả thật sự cảm nhận và thấu hiểu.
Nhiều chi tiết “Easter Eggs” – chi tiết ẩn – về truyện cổ tích Tấm Cám nguyên bản được cài cắm trong phim nhưng bị nhiều khán giả cho rằng quá gượng ép. Một số chi tiết khiến khán giả xem phim nhận xét là rất “vô thưởng vô phạt” khi “có cũng được mà không có cũng không sao”. Ví dụ như chi tiết về cá bống trong phim Cám (2024) không đóng vai trò bước đệm cho bất cứ sự thay đổi nào mà chỉ phục vụ cho phân cảnh cô bé Cám (sau khi bị Bạch Lão nhập thân) nhai sống cá bống trước mặt chị Tấm.
Bờm (Trần Doãn Hoàng) và Cám (Lâm Thanh Mỹ) từng được NSX tiết lộ có tình cảm với nhau và chính đoạn tình cảm này sẽ trở thành cú twist "lật cái bàn" của bộ phim |
Ngoài những phân cảnh, nội dung có phần thừa thãi, râu ria, người xem còn “phát bực” với lối viết lời thoại quá “kịch” của dàn nhân vật và màn thể hiện “cứng đơ” của thằng Bờm (Trần Doãn Hoàng) khiến nhiều phân cảnh cảm xúc hay cao trào của bộ phim đang trong tình trạng rất “sượng trân”. Dù tạo hình ấn tượng nhưng chính cách đài từ, nhấn nhá... thể hiện tình huống của các nhân vật là yếu tố kéo tình tiết phim đi thụt lùi về mặt phát triển cảm xúc.
Điểm sáng của phim chính là diễn xuất của cặp chị em Rima Thanh Vy (Tấm) và Lâm Thanh Mỹ (Cám) |
Một cái kết lãng xẹt...
Cái kết của phim Cám (2024) khiến nhiều khán giả “ngơ ngác đến bật ngửa”. Cuối phim, khi tình tiết và những xung đột được đẩy đến cao trào, nhân vật chính phải tự đứng lên giải quyết những rối rắm, khúc mắc do con quỷ Bạch Lão mang đến đã khiến người xem vô cùng mong chờ kết thúc hoành tráng, xứng đáng cho bộ phim, nhưng cuối cùng để lại thất vọng. Cảnh khỏa thân của Tấm sau khi bị nhập hồn cũng bị cho là “lãng xẹt” vì không hiểu NSX và đạo diễn đưa vào phim với mục đích gì ngoài trở thành yếu tố câu view.
Cảnh khỏa thân của Tấm sau khi bị hắc hóa khiến nhiều khán giả nhận xét chỉ để "câu view" |
Ngay cả khi biết em gái đã hoàn toàn bị tha hóa và quyết tâm đi diệt trừ Bạch Lão – nguồn cơn của mọi tội ác – Tấm vẫn mắc một lỗi rất kinh điển trong dòng phim kinh dị những năm 2000, đó là chọn tin tưởng vào những lời cầu xin của con quỷ đội lốt em gái. Bởi dù đã dành cho Tấm sự phát triển tính cách nhân vật và một phân cảnh quyết tâm làm “siêu anh hùng giải cứu thế giới”, cô vẫn ngã vào motif cũ kỹ để rồi nhận lấy thất bại trong cuộc chiến với Bạch Lão.
Cái kết của phim khi Tấm giao phó kỷ vật là sợi dây chuyền đầu gà cùng trọng trách tiêu diệt Bạch Lão cho Thái tử sau khi cô ra đi cũng vô cùng mờ nhạt. Bởi trước đó, dù Tấm đã kể với Thái tử về sự việc xảy ra tại nhà cô, nhưng phân cảnh này không được khắc họa rõ nét. Thái tử trong phim chỉ “thoắt ẩn, thoắt hiện” với đất diễn và thoại còn ít hơn Bạch Lão. Việc chọn anh làm nhân vật giải quyết nút thắt cuối cùng đã khiến nhiều khán giả cảm thấy khó hiểu với lựa chọn của NSX và đạo diễn.
Đất diễn và vai trò của từng nhân vật trong phim vẫn còn gặp nhiều vấn đề |
Kết phim sử dụng chung một cách kể chuyện với phần mở đầu thông qua những bức vẽ dân gian là “giọt nước tràn ly” khiến khán giả sau khi ra rạp vẫn không hiểu mình vừa xem một bộ phim hay một đoạn trích sitcom trên Youtube.
Được quảng cáo rầm rộ cùng nhiều lời hứa hẹn về một tác phẩm kinh dị bùng nổ nhân dịp cuối năm, Cám (2024) vẫn còn quá nhiều lỗ hổng về nội dung cùng sự "hụt hơi" thấy rõ trong suốt diễn biễn của mạch phim. Ngoài yếu tố phục trang, bối cảnh và lựa chọn diễn viên xuất sắc, Cám (2024) vẫn còn thiếu nhiều yếu tố cần thiết để đạt được kỳ vọng to lớn như những gì Mười (2007) hay Ngôi nhà trong hẻm (2012) đã làm được.