Khách hàng liên tục mất tiền trong tài khoản ngân hàng: Chuyên gia nói gì?

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ tài khoản tiền gửi ngân hàng tự dưng bốc hơi hàng trăm triệu, nhiều tỷ đồng, khiến khách hàng bất an về việc gửi tiền và ứng phó với những chiêu trò thủ đoạn lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
"Mấy vụ mất tiền trong tài khoản vừa qua không phải lỗ hổng cả hệ thống ngân hàng" Kiểm tra, giám sát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tại các ngân hàng

Liên quan đến việc này, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi).

Trong những vụ việc tiền trong tài khoản ngân hang “không cánh mà bay”, có thể liệt kê vào những hình thức nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Qua theo dõi một số vụ việc gần đây, có thể thấy khách hàng bị lừa đảo qua mạng khi các đối tượng lừa đảo gửi các link, chiếm đoạt mật khẩu rồi chuyển khoản một loạt các giao dịch đi các tài khoản khác.

Trường hợp khác là bị cán bộ ngân hàng chiếm đoạt, khách hàng tin tưởng ký trước ủy nhiệm chi, thậm chí có những lúc khách hàng có thể cho nhân viên ngân hàng ký chữ ký giống bản thân để rút tiền, sau này nhân viên và lãnh đạo của ngân hàng thông đồng cùng rút tiền của khách hàng.

Theo ông, nguyên nhân của những vụ việc mất tiền là gì?

Ông Nguyễn Quang Huy: Nguyên nhân chính của những vụ mất tiền là do lỗi bão mật thông tin của khách hàng, dữ liệu bị mua bán khiến thông tin lọt vào tay đối tượng lừa đảo qua mạng.

Mặt khác, đạo đức kinh doanh của một số cán bộ làm việc trực tiếp với ngân hàng khi lợi dụng sự cả tin của khách hàng và tín nhiệm để lừa đảo chiếm đoạt thông tin của khách hàng.

Đối tượng lừa đảo lợi dụng lỗ hổng trong bảo mật thông tin, trong hệ thống quản lý của ngân hàng để chiếm đoạt thông tin của khách hàng. Từ đó có nguy cơ dẫn đến việc thực hiện chiếm quyền kiểm soát và chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Khách hàng liên tục mất tiền trong tài khoản ngân hàng: Chuyên gia nói gì?
Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi).

Những sự việc này cho thấy, có những lỗ hổng trong việc thực hiện công tác quản lý của các ngân hàng. Từ việc quản lý con người là quản lý nhân viên đến việc quản lý những thông tin của khách hàng. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Nguyễn Quang Huy: Qua những vụ việc vừa rồi có thể thấy lỗ hổng trong công tác quản lý của các ngân hàng là: tuyển dụng nhân sự sai người, chưa thẩm định kỹ về đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt những cá nhân, lãnh đạo làm việc trực tiếp với khách hàng; thiếu sự kiểm tra rà soát định kỳ hay bất thường về sự tuân thủ trong vận hành của các đơn vị nghiệp vụ liên quan tới khach hàng va quản lý tiền cho khách hàng.

Các ngân hàng cũng chưa có hay làm chưa triệt để việc luân chuyển thường xuyên hay bất thường đối với những cá nhân, lãnh đạo liên quan trực tiếp tới khách hàng nhằm tránh sự kết thành các nhóm lợi ích để chiếm đoạt tiền của khách hàng; thiếu sự hoạt động hiệu quả của đội ngũ cảnh bảo sớm rủi ro với những khoản tiền của khách hàng có tần suất chuyển tiền với số tiền lớn hay nhiều lần trong thời gian ngắn để có thông báo sớm trực tiếp cho khách hàng...

Vậy thưa ông, khách hàng nên làm gì để tiền trong tài khoản không bốc hơi vàcà cách xử lý là gì khi phát hiện bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng?

Ông Nguyễn Quang Huy: Khách hàng phải tuân thủ quy trình của ngân hàng trong quá trình mở tài khoản, cung cấp thông tin, nộp tiền, rút tiền theo đúng hướng dẫn cúa ngân hàng; không làm tắt với nhân viên hay lãnh đạo chi nhánh trực tiếp trong quá trình nộp, rút tiền trong tài khoản ngân hàng.

Khách hàng cũng cần phải kiểm trả kỹ thông tin đã cung cấp cho cán bộ ngân hàng trước khi ký bất kỳ văn bản, giấy tờ nào do nhân viên ngân hàng cung cấp; không tập trung gửi tiền vào một ngân hàng mà nên phân tán ra nhiều ngân hàng và nên giữ tỷ trọng an toàn gửi tiền trong các ngân hàng có uy tín, không chạy theo những ngân hàng trả lãi suất cao bất thường so với thị trường.

Nhằm tránh rủi ro, các ngân hàng đều phải đầu tư thiết bị công nghệ cho việc đảm bảo an toàn an ninh mạng. Tuy nhiên, liệu có phải cứ đầu tư nhiều tiền là ngân hàng đó an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huy: Mỗi ngân hàng có một hệ thống công nghệ riêng phù hợp, nên việc đầu tư cho an toàn mạng mỗi ngân hàng sẽ có một mức độ khác nhau, không cứ nhiều tiền đã là tối ưu mà quan trọng phải có sự kết hợp gữa công nghệ an ninh mạng với hệ thống quản trị rủi ro cảnh báo sớm kết hợp quy trình kiểm soát tuân thủ có chiều rộng va chiều sâu, tuyển dụng những con người có đạo đức kinh doanh và liên tục đào tạo bồi dưỡng đạo đức kinh doanh, tính tuân thủ trong quá trình làm việc, thường xuyên kết nối với khách hàng gửi các thông tin cảnh báo, nhắc nhở rủi ro để khách hàng có thể tự đối chiếu, bảo vệ mình trước sự thao túng chiếm đoạt của những kẻ lừa đảo.

Đánh giá chung của ông về khả năng bảo mật của các ngân hàng Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huy: Khả năng bảo mật của các ngân hàng hiện nay cũng đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng trong nước và quốc tế hết sức tinh vi nên ngoài việc các ngân hàng đầu tư việc bảo mật theo kịp trình độ quốc tế thì cũng cần phải tuyên truyền thường xuyên cho khách hàng để mọi người được trang bị, nâng cao nhận thức, tỉnh táo tự bảo vệ tài sản của mình trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo.

Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ yêu cầu tất cả các ngân hàng cần áp dụng hình thức xác thực giao dịch trong thanh toán trực tuyến bằng sinh trắc học đối với giao dịch có giá trị cao.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định từ ngày 1/7/2024 chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay.

Đây là những quy định hợp lý để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hậu Lộc
Phiên bản di động