Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến thực thi từ tháng 8/2020

Theo dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ được thực thi từ tháng 8 năm nay.
Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sắp đưa ra Quốc hội phê chuẩn

Ngày 8/6, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Đây là đánh giá là thời điểm lịch sử mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỷ USD cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công thương cho biết, theo quy định tại Điều 17.16 của EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực, hoặc vào một ngày khác do hai bên thỏa thuận.

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA (thường mất 1 tuần theo quy trình thông thường), Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành thông báo với EU về việc ta đã hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước.

hiep dinh thuong mai tu do viet nam eu du kien thuc thi tu thang 82020
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan. Ảnh: MOIT.

Do EU đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, nên trong thông báo của Việt Nam gửi EU cũng sẽ bao gồm cả việc ấn định thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với cả hai Bên (nếu theo phương án thì sẽ là ngày 1/8/2020).

Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chiều 8/6 (theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan.

Tại cuộc điện đàm, phía EU đánh giá cao sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định và coi đây là sự kiện có ý nghĩa “lịch sử” trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. EU đề nghị đưa Hiệp định vào thực thi từ ngày 1/8 tới đây, theo đúng quy định của Hiệp định.

Trong khi đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phía Việt Nam đã đề nghị thúc đẩy việc thực thi Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể tận dụng các cơ hội từ Hiệp định, nhằm cải thiện tình hình kinh tế thương mại sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác EU để đảm bảo dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất có thể và thực hiện một cách hiệu quả, hỗ trợ tối đa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như việc thực thi EVFTA.

Người đứng đầu Bộ Công thương Việt Nam cũng đề nghị trong quá trình triển khai, EU ưu tiên giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả hai phía.

Kể từ ngày đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức thuế của 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ lập tức về 0. Trong 7 năm tiếp theo, hầu hết tất các dòng thuế xuất khẩu cùng sẽ về 0.

Lợi ích mà hai bên thu được sẽ là rất lớn. Đối với Việt Nam, khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,4%; xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tăng 20%; 800 nghìn người thoát nghèo nhờ hiệp định này. Ngân sách Việt Nam có thể hưởng lợi từ tăng trưởng GDP cao hơn và thu thuế cao hơn. Ngoài ra, Hiệp định cũng sẽ có lợi cho người lao động, khi đóng góp vào tiêu chuẩn lao động, và cho môi trường.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ hơn từ EU. Nhà sản xuất có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường châu Âu vốn có sức mua lớn, đó cũng là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá, đây là thời cơ vàng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt vào thời điểm hậu dịch Covid-19, chúng ta nhận ra rằng không nên chỉ tập trung vào một mối quan hệ thương mại mà cần phải đa dạng hóa.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước có nhiều lợi thế so sánh với các nước trong khu vực khi EVFTA được thực thi, bởi trong khu vực ASEAN, EU chỉ có FTA với Sigapore nhưng nước này là một nền kinh tế dịch vụ còn Việt Nam chủ yếu là sản xuất hàng hóa. Theo đó, Việt Nam là nước có lợi thế số một khi tiếp cận thị trường EU.

Trong quan hệ thương mại, xu hướng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong giai đoạn 2001-2018, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 16%, tuy nhiên, khi so sánh với tỉ trọng thương mại toàn cầu thì dường như đang có xu hướng nhỏ dần đi. Vì vậy, Việt Nam cần nắm bắt tốt được cơ hội từ EVFTA mang lại.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Giorgio Aliberti, để tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định EVFTA, thách thức cho Việt Nam chính là việc Chính phủ phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện các quy định, áp dụng công nghệ số để tinh giản các thủ tục, cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh, thách thức đặt ra cho Chính phủ và các bộ ngành là tạo ra cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư như việc số hóa các quy trình hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng cần phải được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, các rào cản phi thuế cũng là một thách thức cần chú ý, vì chúng có thể khó khăn ngang với các rào cản thuế quan. “Trong hiệp định đã có những điều khoản hướng tới gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, và thách thức nằm sẽ ở việc thực thi cụ thể”, vị Đại sứ cho hay.

Văn Huy
Phiên bản di động