Hiện tượng rủ nhau "bùng nợ" khiến nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng cao

Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao ngoài những nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ...
Phó Thủ tướng: Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng Đại biểu Quốc hội lo ngại khi nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tính đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).

“Đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội”, ông Hùng nhận định.

Nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, từ đó hạn chế tín dụng đen cũng như phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...

Hiện tượng rủ nhau
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Tính đến cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng; trong khi từ năm 2018 - 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên dưới 2%).

Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%; nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Lý giải tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan với khó khăn chung còn yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.

Ông Hùng cũng cho biết, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý…

Theo ông Hùng, tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số đơn vị buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động