Hà Nội: Hành trình ươm mầm những ước mơ của trẻ câm điếc

Trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ câm điếc nói riêng là đối tượng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tham gia lớp học Trẻ Điếc C5 (Đại Mỗ - Hà Nội), đây là cơ hội để trẻ có thể hoà nhập với cộng đồng, tiếp tục được ươm mầm những ước mơ của mình.
Sở GD&ĐT Hà Nội xác minh thông tin về đề Toán vào lớp 10 Tình làng nghĩa xóm trong những ngày mất điện Những con số ấn tượng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội

Ngôi nhà chung của “những hạt giống”

Lớp học Trẻ Điếc C5 (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là nơi giúp trẻ em vị điếc kém may mắn có cơ hội được học tập và tiếp cận chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lớp học lần đầu được tổ chức vào năm 2016. Giáo viên sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải kiến thức đến trẻ em câm điếc.

Một lớp học cho trẻ câm điếc tại lớp học trẻ điếc C5
Một tiết học cho trẻ câm điếc tại lớp học trẻ điếc C5

Chị Đỗ Thị Nguyệt Hà (40 tuổi), người sáng lập lớp học Trẻ Điếc C5 chia sẻ, năm đầu mở lớp chỉ với 6 học sinh, mô hình ban đầu của lớp học là một giáo viên người nghe (người có khả năng nghe, nói) và giáo viên người điếc sẽ dạy học sinh. Đến hiện tại, giáo viên người điếc là người dạy chính cho lớp học. Lớp học duy trì với một khoản học phí nhỏ do phụ huynh các em cùng đóng góp.

Học sinh lớp học trẻ điếc C5 trong giờ ăn trưa
Học sinh lớp học trẻ điếc C5 trong giờ ăn trưa.

Với vị trí là một phụ huynh đã từng rất khó khăn trong việc tìm lớp học cho con trai mình, chị Nguyệt Hà đã ấp ủ việc sáng lập lớp học trong suốt 2 năm.

“Ban đầu tôi nghĩ trẻ điếc cần được học tập công bằng giống trẻ nghe. Tôi mong muốn giáo viên người điếc giúp trẻ phát triển. Nếu coi người điếc là một dân tộc thì họ là người nói cùng một ngôn ngữ. Giáo viên người điếc có thể dạy trẻ điếc bằng ngôn ngữ kí hiệu là tuyệt vời nhất”, chị Hà chia sẻ.

Theo chị Hà, thời điểm ban đầu, lớp học gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện tài chính, song chị đã cùng các phụ huynh của trẻ điếc và các cô giáo khác luôn cố gắng mang lại một môi trường tốt nhất để mở ra cơ hội được tiếp cận giáo dục bậc tiểu học tới những học sinh đặt biệt này.

Tâm nguyện lớn nhất của các bậc phụ huynh khi gửi gắm con tới lớp học Trẻ Điếc C5 là giúp con em mình được học tập, trở thành những người độc lập và tự do trong tương lai.

Hành trình ươm mầm mơ ước

Ngày 12/5 vừa qua, các sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong dự án “Education Different - Mô hình giáo dục trải nghiệm cùng với người khuyết tật” đã hợp tác với lớp học Trẻ Điếc C5 để tổ chức sự kiện dành cho các bạn học sinh tại đây. Đây là chương trình mở đầu trong chuỗi sự kiện “Tôi mơ…” của dự án vào mùa hè này.

Chia sẻ sau khi kết thúc sự kiện, các bạn sinh viên đều bất ngờ trước tình cảm và sự chào đón nồng nhiệt của các em học sinh tại lớp học. “Mỗi trò chơi, mỗi hoạt động dự án thực hiện đều được các em hưởng ứng nhiệt tình và góp phần mang tới không khí vui tươi, sôi nổi, náo nhiệt cho sự kiện hôm ấy. Điều đặc biệt nhất đó là các em đã tự tin chia sẻ ước mơ của bản thân mình trong tương lai. Hầu hết các bạn đều mong muốn trong tương lai sẽ trở thành một giáo viên dạy các em trẻ điếc khác”.

Cô giáo Hồng trong giờ dạy học
Cô giáo Hồng trong giờ dạy học.

Trước đây, cô giáo Hồng (32 tuổi, giáo viên lớp học Trẻ Điếc C5) đã hoàn thành chương trình cấp 3 của người điếc. Với khát khao mãnh liệt được trở thành một người giáo viên, cô Hồng đã quyết định học lên cao đẳng.

Chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu, cô Hồng cho biết: “Dạy học sinh điếc rất khó khăn. Nhưng tôi rất hy vọng khi các con lớn lên sẽ trở thành giáo viên dạy trẻ điếc, mong các con được phát triển trong tương lai”.

Hiện tại, lớp học Trẻ Điếc C5 luôn kỳ vọng có thể mở rộng mô hình này đến các bậc học cao hơn để giúp các em học sinh có cơ hội được tiếp cận giáo dục bình đẳng với những người khác, giúp ước mơ của các trẻ em điếc được ươm mầm, phát triển thành những "bông hoa ngát hương" giúp ích cho cộng đồng và xã hội.

Phạm Thanh Tâm
Phiên bản di động