Hà Nội cần quy chuẩn khác biệt về phòng cháy chữa cháy

“Việc áp dụng biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện, nước đã từng bị Quốc hội không thông qua trong dự thảo về Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần cân nhắc kỹ lưỡng và có cơ sở lý luận vững chắc để thuyết phục Quốc hội đồng ý với phương án được đưa ra”, Th.S Nguyễn Thu Trang - Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý.
Hà Nội: Bồi dưỡng kiến thức cho 230 cán bộ quy hoạch nguồn quận, huyện, thị ủy Hà Nội: Tai nạn giao thông 9 tháng năm 2023 giảm sâu cả 3 tiêu chí Chủ động hội nhập, nâng cao vị thế

Ngừng cấp điện, nước chỉ nên là biện pháp ngăn chặn

Th.S Nguyễn Thu Trang - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cưỡng chế là phương pháp quản lý mà mọi quốc gia đều phải áp dụng nhằm bảo đảm kỷ cương trong xã hội.

Trong số các nhóm biện pháp cưỡng chế hành chính thì ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn chủ thể tiếp tục vi phạm hoặc gây khó khăn, cản trở việc xử lý vi phạm.

Theo bà Trang, đây là công cụ quan trọng trong quản lý Nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính, là cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các biện pháp ngăn chặn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đặc thù cho Thủ đô đang được xem xét bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 34.

Theo đó, phương án 1 mà ban soạn thảo đưa ra là: “Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô”.

Th.S Nguyễn Thu Trang cho rằng, biện pháp này là cần thiết trong một số trường hợp cần ngăn chặn ngay một hành vi vi phạm đang đe dọa xâm hại trực tiếp đến tính mạng, tài sản, sức khỏe của người dân hoặc cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, quy định về biện pháp này cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng dựa trên cơ sở về mặt lý luận và thực tiễn đời sống xã hội ở Thủ đô.

Hà Nội cần quy chuẩn khác biệt về PCCC
Kiểm tra công tác PCCC&CNCH ở khu dân cư Hà Nội

Theo Th.S Nguyễn Thu Trang, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày, việc áp dụng chế tài ngừng cung cấp dịch vụ điện nước đã từng được đưa ra tại nghị trường Quốc hội.

Tuy nhiên, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng không cần thiết phải áp dụng biện pháp này nhằm cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Chủ yếu các ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp này là một sự vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người của các đối tượng bị áp dụng và có liên quan.

Khi áp dụng biện pháp này, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện và nước sẽ bị gián đoạn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Vì vậy, biện pháp này chỉ nên được sử dụng một cách cân nhắc và chỉ khi thực sự cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính đáng kể và bảo vệ lợi ích công cộng.

Trên nghị trường Quốc hội, một số đại biểu có lấy ví dụ cho rằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện nước là cần thiết vì nếu vẫn cung cấp điện nước thì doanh nghiệp vi phạm vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khoẻ của người dân và lợi ích của cộng đồng.

Như vậy, trong trường hợp trên, điện nước chính là phương tiện để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện vi phạm của mình và gây ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Việc ngừng cung ứng dịch vụ điện nước là cần thiết để ngăn chặn việc doanh nghiệp tiếp tục vi phạm và bảo vệ lợi ích của cộng đồng dân cư khu vực đó. Với ý nghĩa này, biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện, nước là cần thiết và phù hợp với các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

"Vì vậy, chỉ nên quy định việc ngừng cung ứng dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn chứ không phải biện pháp bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; Đồng thời, quy định rõ trường hợp nào sẽ được áp dụng các biện pháp ngừng cung ứng dịch vụ điện nước là cần thiết để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và thống nhất trong việc thực hiện các biện pháp này", Th.S Trang khẳng định.

Cần "nâng cấp" cho Hà Nội

Theo Th.S Nguyễn Thu Trang, công tác PCCC&CNCH của cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng thời gian gần đây được đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Trước những hậu quả gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn Thủ đô cũng như đặc thù của địa bàn thì việc Hà Nội có chế tài, quy chuẩn riêng về công tác này là rất cần thiết.

Hà Nội cần quy chuẩn khác biệt về PCCC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mới đây, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về các vấn đề giao thông, môi trường... đặc biệt là công tác PCCC.

“Cần cho Hà Nội quyền quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt về giao thông, môi trường, đặc biệt là công tác PCCC”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhắc lại vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồi giữa tháng 9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật về phân cấp và phân quyền nên cần có sự toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nội dung nào phân cấp cho thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở.

Nói về việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập nhiều cơ chế đã áp dụng cho một số địa phương như TP HCM, Khánh Hòa... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo cần trao đổi với các địa phương để xem nội dung nào cần điều chỉnh, nâng cấp hơn cho Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề xây dựng, PCCC, tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn đối với một số hành vi trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước, góp phần làm giảm số vụ vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.

Ngày 11/10, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn trong tình hình mới.

UBND TP Hà Nội yêu cầu kế hoạch phải được triển khai nghiêm túc, kịp thời trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp... đảm bảo việc tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất.

Hoa Thành
Phiên bản di động