Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp quản lý và phát triển thương mại điện tử

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa Hà Nội. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ 28/11/2022.
Nhiều ưu đãi, khuyến mãi trong “Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia” Giúp bạn trẻ nắm cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử 800 sinh viên tham gia Cuộc thi "Sinh viên Tài năng Kinh doanh số"

Theo đó, quy chế quy định các nội dung phối hợp quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của thành phố theo quy định của pháp luật.

Đối tượng áp dụng gồm sở Công thương, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về nguyên tắc phối hợp, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các quy định của Nhà nước, quy định của thành phố trong công tác quản lý và phát triển thương mại điện tử; đồng thời, phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thực tế; phù hợp năng lực quản lý từng cấp, ngành.

Hà Nội ban hành Quy chế phối hợp quản lý và phát triển thương mại điện tử
Ảnh minh họa

Công tác phối hợp quản lý phải thường xuyên, liên tục; phát huy tính chủ động của các cơ quan, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Công tác phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Các cơ quan chủ động giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành quản lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, liên tục, không trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp.

Thành phố tạo điều kiện tối đa cho cấp huyện phát huy tính sáng tạo, phối hợp chặt chẽ theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn; bảo đảm các nguồn lực cần thiết để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.

Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công thương phối hợp Bộ Công thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa.

Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.

PV
Phiên bản di động