Giới trẻ và xu hướng làm việc ở quán cà phê xuyên đêm
Chọn ngành, chọn trường: Giới trẻ có đang chạy theo xu hướng? Du lịch trải nghiệm - xu hướng "xê dịch" nổi bật của giới trẻ hiện đại Xu hướng “nằm yên” tránh áp lực cuộc sống của nhiều người trẻ |
Hơn 11h đêm tại các quán cà phê, cửa hàng tiện lợi vẫn sáng đèn, sẵn sàng phục vụ những vị khách trẻ có thói quen “cú đêm”.
Thâu đêm chạy “dealine”
Khác với không gian tĩnh lặng màn đêm, ghé vào bất kì cửa hàng tiện lợi nào trên đường phố Hà Nội đều cảm nhận được thế giới “tấp nập” của người trẻ. Tại cửa hàng tiện lợi nằm trên mặt đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy), nhân viên bán hàng cho biết số lượng khách đến mua và ngồi tại cửa hàng đông gấp 3 lần so với ban ngày. Đối tượng khách chủ yếu là các bạn sinh viên, người trẻ đi làm.
Bạn Thanh Huyền làm việc xuyên đêm tại Circle K Nguyễn Phong Sắc |
Là khách quen cửa hàng, bạn Thanh Huyền (23 tuổi) tới đây sau mỗi giờ tan ca. Gập máy tính lại khi vừa hoàn thành công việc, chị Huyền kể bắt đầu thói quen thức đêm khi còn là sinh viên: “Mình làm bên mảng sáng tạo nội dung, công việc áp lực và nhiều dealine nên cứ sau giờ đi làm, mình thường chạy đến đây làm nốt việc, ăn tối luôn để tiết kiệm thời gian. Tuy ở đây không quá yên tĩnh nhưng lại là không gian giúp mình tập trung hơn trong công việc”.
Đồng hồ điểm 12h đúng nhưng đôi bạn Trà My và Huyền Trang (sinh viên năm cuối, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cố gắng lên ý tưởng nốt cho dự án truyền thông mới tại một quán cà phê trên đường Tống Duy Tân (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trà My cho biết, để lên ý tưởng cho các dự án chúng mình phải “cắm cọc” tại quán 2 đêm liên tiếp từ 8h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. “Năm cuối rồi, chúng mình luôn chỉnh chu từng sản phẩm một. Chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là phải sửa lại toàn bộ nội dung. Mỗi lần làm việc mình đều uống 2 cốc cà phê để giữ được sự tỉnh táo”.
Huyền Trang chia sẻ thêm: “Làm bài buổi đêm hiệu quả hơn, nhất với không gian yên tĩnh tại các quán như thế này. Ở nhà mình cũng thức đêm đến tận 1-2h sáng nhưng chỉ nằm lướt mạng xã hội mà không làm bài được. Khi làm việc trực tiếp với bạn bè, cũng tiện trao đổi, góp ý và hoàn thiện bài tập nhanh hơn”.
Không ít sinh viên cũng tìm đến những quán cà phê, cửa hàng tiện lợi 24/7 để học tập |
Mỗi người có độ tuổi, công việc khác nhau nhưng đều có chung nhu cầu tìm kiếm không gian nâng cao hiệu quả làm việc, hoc tập khiến dịch vụ cà phê xuyên đêm hay cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/7 ngày càng phát triển.
Đơn giản chỉ để tán ngẫu, lướt web
Điểm chung của các quán cà phê xuyên đêm tại Hà Nội có không gian rộng rãi, thiết kế nhiều góc nhỏ riêng dành cho các bạn trẻ muốn ngồi một mình. Như quy luật ngầm, tới các quán cà phê này tất cả bạn trẻ đều có ý thức giữ yên lặng.
Chán nản với tiếng xe cộ ồn ào nơi thủ đô hoa lệ, anh Trung Kiên (27 tuổi, kiến trúc sư xây dựng) thường tới lui đến những không gian yên tĩnh 3 lần/1 tuần. Lên Hà Nội từ năm 20 tuổi để lập nghiệp, anh Kiên thường đi kiểm tra công trình từ sáng sớm đến tối muộn.
“Mình rất thích mô hình quán cà phê như thế này. Khi đến đây ngồi nghe những bản nhạc nhẹ, nhâm nhi tách trà rồi lướt web đọc tin tức thì bao mệt mỏi một ngày như tan biến. Đôi lúc không gian này cũng giúp mình có thêm ý tưởng cho mẫu thiết kế độc đáo, sáng tạo”, anh Kiên không ngần ngại chia sẻ về lý do thường xuyên thức khuya.
Vừa kết thúc kì thi cuối kỳ, 3 cô gái Ngọc Ánh, Khổng Mai, Phương Anh (sinh viên năm 3 trường Đại học Hà Nội) quyết định đi chơi xuyên đêm một hôm để xả stress. Gần 3h giờ sáng nhóm bạn Ngọc Ánh chọn điểm dừng chân cuối cùng tại quán cà phê nằm sâu trong một con ngõ ở quận Hai Bà Trưng. Ngồi vào góc bàn ở ban công, mỗi người chọn cho mình món đồ uống yêu thích rồi tán gẫu với nhau về đủ thứ chuyện.
“Mỗi tháng bọn mình sẽ tổ chức những chuyến đi ăn, cà phê như thế một lần. Dù toàn đi học cùng nhau nhưng khi đến những không gian này, bọn mình cảm thấy “chill” và dễ tâm sự, chia sẻ với nhau hơn” Ngọc Ánh nói.
Nhiều người trẻ thường mang tâm lí rằng: “Vì mình còn trẻ nên hy sinh sức khỏe một chút cũng không sao, để sau này được sung túc, nhàn hạ” hay là “Thức có mấy hôm, có chết ai đâu mà phải lo?”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sức khoẻ cho rằng, dù bạn có trẻ, có khỏe nhưng với lối sống thiếu lành mạnh, thì tác hại của thức khuya kéo dài sẽ không chỉ dừng lại ở lên mụn, da xấu hay đau dạ dày…nhiều bệnh tật khác như: trí nhớ suy giảm, tâm lý bất ổn, tim mạch, đột quỵ, thậm chí là ung thư cũng sẽ tìm đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, người trẻ hãy thay đổi thói quen “cú đêm” để có một cơ thể khoẻ mạnh.
Làm thế nào để có thể ngủ sớm?Để thay đổi thói quen thức khuya, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với người trẻ: Cần tập thẻ dục, chơi thể thao đều đặn hàng ngày: Thói quen này không chỉ giúp chúng ta duy trì vóc dáng mà còn là một cách để cải thiện giấc ngủ. Khi tiêu hao năng lượng vào ban ngày, cơ thể sẽ cảm thấy mệt và có nhu cầu nghỉ ngơi. Từ đó, chúng ta dễ đi vào giấc ngủ, ngủ được lâu và sâu hơn. Nghe nhạc hoặc đọc sách giúp bạn thư giãn đầu óc và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Khi đọc sách, ta được đắm chìm vào câu chuyện của các nhân vật, tạm quên đi bao lo toan trong cuộc sống. Khi nghe nhạc, những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng sẽ xoa dịu tâm hồn bên trong bạn. Bạn nên nghe những bài hát không lời vì khi chỉ còn ta với âm nhạc, cơ thể bỗng trở nên thật nhẹ nhàng, như chính bản nhạc mà ta đang nghe. Các chuyên gia cũng cho rằng, thói quen sử dụng laptop, điện thoại,… trước khi ngủ ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Thứ nhất, ta bị cuốn vào những màn combat trong game hay drama nối tiếp nhau xuất hiện trên mạng. Điều này làm ta không thể đặt điện thoại xuống để đi ngủ sớm được. Thứ hai, hoạt động trong thế giới ảo một thời gian khiến não bộ hưng phấn trở lại. Từ đó mà tạm thời làm mất đi cảm giác buồn ngủ. Thứ ba, ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử ức chế quá trình sản xuất Melatonin – một loại hormone giúp con người dễ đi vào giấc ngủ. Vì vậy, bạn trẻ hãy nói không với thiết bị điện tử khi đã lên giường. Ngoài ra, ngủ trưa là một thói quen tốt, giúp cơ thể thư giãn và hồi phục năng lượng. Tuy vậy, ngủ trưa quá sâu khiến cho ta cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi chiều. Bên cạnh đó, thời lượng ngủ vào ban ngày quá nhiều có thể gây ra hiện tượng rối loạn giấc ngủ vào ban đêm. Thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình trạng mất ngủ ở những người đã có tiền sử bệnh. Do đó, các bạn chỉ nên ngủ trưa khoảng 30 phút và hạn chế việc ngủ ngày. |
Chọn ngành, chọn trường: Giới trẻ có đang chạy theo xu hướng? |
Du lịch trải nghiệm - xu hướng "xê dịch" nổi bật của giới trẻ hiện đại |
Xu hướng “nằm yên” tránh áp lực cuộc sống của nhiều người trẻ |